Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Những cách làm cần được khuyến khích


Tôma Hoàng Kim Khánh
Thời ấy đã qua rồi !
      Nhớ lại những năm từ 1975 đến 2005, đời sống của đa số người dân Việt Nam nói chung, người Công giáo chúng ta nói riêng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ở một giáo xứ, thậm chí đến cấp giáo phận, ngoài các sinh hoạt phụng - tự, các hoạt động khác nếu có, thành thật mà nói là nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể thuộc Giáo hội hoặc phi chính phủ ở nước ngoài, các cộng đoàn người Việt hải ngoại, các cá nhân, … trong và ngoài nước.
      Sự giúp đỡ này là hữu ích; nhiều nhà thờ, cơ sở của giáo xứ, giáo phận … được tu sửa, xây mới,… các hoạt động bác ái, xã hội, giáo dục, y tế, … có điều kiện tổ chức; tạo nên diện mạo trong, ngoài của giáo xứ, giáo phận ở nước ta như hiện nay.
      Có lẽ, từ năm 2006, việc tìm kiếm các nguồn giúp đỡ từ bên ngoài giáo xứ, giáo phận rất khó, vì ai cũng biết rằng đời sống của người giáo dân nay đã khấm khá hơn nhiều, và theo họ, khi đã dư ăn, dư mặc, mỗi người phải có bổn phận đóng góp về tinh thần và vật chất để phát triển cộng đoàn giáo xứ, giáo phận nơi mình đang sinh sống ?
      Tiếc rằng, có chưa nhiều linh mục quản xứ tìm cách phát huy sức mạnh về mọi mặt của người giáo dân trong các hoạt động ở cộng đoàn địa phương.              
Những việc làm cần được khuyến khích
      1. Giáo xứ Tây Linh thuộc giáo phận Huế “nuôi heo đất” tạo nguồn kinh phí hoạt động.
          Giáo xứ Tây Linh, ngày xưa gọi là Cầu Kho, thuộc Nội thành Huế, người công giáo hiện diện ở đây từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1744-1765), nhưng giáo xứ chính thức được thành lập vào cuối năm 1945 với khoảng 150 giáo dân. Năm 1950, số giáo dân lên đến 500, cha sở tiên khởi là Phaolô Trần Bá Hạnh (1). Giáo xứ hiện nay có 1138 giáo dân, cha Đa minh Phan Phước là quản xứ (2).
          Bắt đầu cách đây sáu năm, học từ kinh nghiệm vận động tài chính để tu sửa nhà thờ của một giáo xứ ở Tổng giáo phận Sài Gòn, Hội Đồng Giáo Xứ Tây Linh, Huế thống nhất đề nghị với cha sở, lúc bấy giờ là linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hiển, cho phép thực hiện chương trình “mỗi nhà mỗi heo đất tạo nguồn kinh phí hoạt động của giáo xứ”.
          Cũng như năm năm trước, đầu năm Nhâm Thìn (2012), Hội Đồng Giáo Xứ chuyển đến mỗi gia đình  một “heo đất”. “Heo đất” được gia đình chăm, nuôi trong suốt năm. Tùy lúc, tùy việc mỗi người trong gia đình tiết kiệm chi tiêu, hy sinh đóng góp vì giáo xứ bằng cách bỏ vào “heo đất” số tiền tiết kiệm ấy.
          Những ngày cuối năm Thìn, “heo đất” từ các gia đình được chuyển dần về văn phòng giáo xứ, cất giữ và sáng Chúa nhật ngày 03-02-2013, trước sự chứng kiến của Linh mục Đa Minh Phan Phước, quản xứ, Hội Đồng Giáo Xứ tiến hành “mỗ heo” nuôi trong năm Nhâm Thìn, 2012.
HĐGX mỗ heo đất trước sự chúng kiến của linh mục Quản xứ  Tây Linh 
             Ông Giuse Võ Xuân Dũng, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ cho biết, “… Số lượng gia đình tình nguyện nhận “nuôi heo đất”, tổng số tiền các gia đình tiết kiệm vì hoạt động giáo xứ cứ năm sau nhiều hơn năm trước. Bình quân mỗi năm khoảng hai mươi triệu đồng. Trong sáu năm qua, giáo xứ có được một trăm hai mươi triệu đồng để tổ chức các hoạt động truyền giáo, bác ái, khuyến học, .. hổ trợ các đoàn thể sinh hoạt. Nhưng với tôi, điều có ý nghĩa là số tiền ấy do chính cộng đoàn tiết kiệm hy sinh mà có, dẫu mỗi người vẫn còn trong hoàn cảnh khó khăn”.   
          Nhẩm tính, mỗi ngày, mỗi gia đình chỉ một ngàn đồng, đến cuối năm, số tiền tiết kiệm của tất cả các gia đình sung quỹ hoạt động của giáo xứ không phải là số tiền nhỏ.
      2. Giáo xứ Bình Điền thuộc giáo phận Huế khai Hội Khuyến học năm Quý Tỵ (3)
          Giáo xứ Bình Điền ở về phía Tây, cách thành phố Huế khoảng 30 km, được thành lập vào tháng 6-1975, hiện có 728 giáo dân, do Tu sĩ Linh mục Phêrô Nguyễn Thái Công, Dòng Thánh Tâm, quản xứ.
          Được biết, vào những ngày đầu năm mới Âm lịch, Hội Đồng Giáo Xứ tổ chức Ngày Hội Khuyến học. Đây là dịp để các bậc phụ huynh trong giáo xứ gặp gỡ, và với sự hướng dẫn của linh mục quản xứ, trao đổi kinh nghiệm về việc giáo dục con cái. Trong ngày hội, các hoạt động như “bữa cơm truyền thống”, “đấu giá kỷ vật”, “chợ quê” với các sản phẩm địa phương, … là những phương thức gây quỹ khuyến học.
          Ngày Hội Khuyến Học năm nay được tổ chức sáng ngày 17-2-2013, Mồng 8 Tết Quý Tỵ.
          Ông Giuse Phan Ngọc Bảy, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ nói, “Đây là lần thứ ba, linh mục quản xứ cho phép Hội Đồng Giáo Xứ tổ chức Ngày Hội Khuyến Học. Chúng tôi không chỉ khuyến học văn hóa mà còn khuyến học giáo lý nữa. Giáo xứ hiện có 160 em tham gia học các lớp giáo lý từ Khai tâm đến Sau Thêm sức, có gần 170 em học sinh từ bậc Mẫu giáo đến Đại học, trong đó có 15 em đang học Đại học hoặc Cao đẳng. Hàng năm, như năm học 2011-2012, chi phí cho công tác khuyến học lên đến 33 triệu đồng. Ngân khoản này, chủ yếu do chính giáo dân trong giáo xứ tùy tâm đóng góp”.
    
Linh mục Phêrô Nguyễn Thái Công, quản xứ Bình Điền
 và ông Giuse Phan Ngọc Bảy, Chủ tịch HĐGX trao thưởng cho em  Anna Phạm Nữ Thu Hiền
          Trong dịp này, quà tặng của cha Antôn Huỳnh Đầy, Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Tâm Huế cho ngày hội, là bài thơ “Sống” viết theo kiểu thư pháp, lồng khung kính được “bán đấu giá”. Cha Antôn “rao giá” khởi điểm của bức tranh là 3.500.000 đồng, có nghĩa là cha đã ủng hộ cho quỹ khuyến học số tiền nói trên. Một phút sau, một phụ huỳnh, chị Dung nâng giá bức tranh lên 3.700.000 đồng, điều này có nghĩa chị tự nguyện đóng góp thêm vào quỹ khuyến học 200.000 đồng; tiếp tục anh Tâm nâng giá lên 4.000.000 đồng, như vậy quỹ khuyến học có thêm 300.000 đồng; … liên tục những cánh tay đưa lên, cho đến khi hồi chuông báo “phiên đấu giá” kết thúc.
          Cọng dồn từ người ban đầu đến người thắng cuộc, quỹ khuyến học của giáo xứ đã có thêm số tiền  21 triệu đồng từ sự đóng góp của mọi người tham dự ngày hội.  Sau khi nhận bức tranh, chủ nhân đã tặng lại cho giáo xứ để trưng bày ở phòng truyền thống.
vì một điều đáng trân quí  
      Dĩ nhiên, thông qua mỗi hoạt động ở mỗi cộng đoàn, linh mục quản xứ và Hội Đồng Giáo Xứ nhắm đến một mục đích riêng :
      Linh mục Đa Minh Phan Phươc, quản xứ Tây Linh, Huế tâm tình, “Giáo Hội nói chung, giáo xứ nói riêng đang cần có những người giáo dân trưởng thành, những người nhận ra vai trò, trách nhiệm, bổn phận của mình với cộng đoàn; biết cọng tác, đồng trách nhiệm với cha sở trong việc xây dựng giáo xứ. Việc làm này cũng nhằm đào tạo giáo dân trưởng thành”.
      Linh mục Phêrô Nguyễn Thái Công, quản xứ Bình Điền, Huế chia sẻ, “Nhờ công tác khuyến học của giáo xứ, chất lượng học tập giáo lý cũng như văn hóa của con em trong giáo xứ, năm sau cao hơn năm trước. Trong năm học vừa qua có 70 học sinh đạt xếp loại văn hóa cuối năm là Khá, Giỏi.  Học kỳ I, năm học này, có em Anna Phạm Nữ Thu Hiền, đang học ở trường Trung Học Phổ Thông - Chuyên Quốc Học, Huế đạt Giải Nhì cấp Quốc gia, môn Sinh vật. Thành tích bộ môn này, nhiều năm nay học sinh Thừa Thiên Huế chưa đạt được”.
      Và những hoạt động như thế không thể thiếu ở mỗi cộng đoàn, nhưng điều đáng trân quí mà hai cộng đoàn giáo xứ Tây Linh, Bình Điền thuộc giáo phận Huế đã làm được là “tự mình lo cho mình”, “tự mình giúp mình”.
      Nỗ lực vượt khó, thoát nghèo âu là cách tỏ lòng biết ơn cụ thể, rõ ràng với những ân nhân đã giúp đỡ chúng ta trong hoạn nạn, khó nghèo ?
oOo
(1) Tổng Giáo phận Huế, Lược sử các giáo xứ, Tập I, 2001, trang 242-244.
(2) Tổng Giáo phận Huế, Lịch Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, 2012, trang 138.
(3) http://tonggiaophanhue.net, Giáo xứ Bình Điền khai hội Khuyến học năm Quý Tỵ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét