http://conglyvahoabinh.org/?p=3053

Tính từ ngày 11-10-2012, ngày khai mạc Năm Đức tin, đến nay đã 4 tháng.
Từ mỗi gia đình đến cộng đoàn giáo xứ, khắp nơi trên quê hương Việt Nam thân yêu này, việc học giáo lý, việc tìm hiểu lịch sử giáo hội địa phương, việc học tập các văn kiện Công đồng Vatican II,… diễn ra sôi nổi và tích cực, đã góp phần “củng cố đức tin của mỗi người Kitô hữu”, giúp mỗi người “hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới” (Thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam gởi toàn thể giáo dân nhân khai mạc Năm Đức tin 2012-2013, số 5).
Nhưng song song với việc củng cố đức tin, điều mà Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) mong muốn nơi mỗi người, ghi rõ trong thư nói trên là “Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá của dân tộc”, thành thật, khách quan mà nói mục đích này chưa được mọi thành phần Dân Chúa quan tâm đúng mức.
Loan báo Tin Mừng, sứ mạng của người Kitô hữu và của Giáo hội
Để thực hiện kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại, Chúa Cha đã sai con Ngài là Chúa Giêsu xuống thế làm người loan báo Tin Mừng, sau Tử nạn Phục sinh, trước khi về Trời, Chúa Giêsu chuyển giao sứ vụ mà Ngài đã nhận từ Chúa Cha cho các Tông đồ ngày xưa, và từ đó đến nay cho mọi người Kitô hữu; đồng thời Chúa Cha cử Thánh Thần Chúa đến với mọi người và Giáo hội do Chúa Giêsu thành lập để tiếp tục và hoàn tất sứ mạng của Chúa Con (Ga 17,18; Ga 20,21-22).
Như thế, loan báo Tin Mừng là sứ mạng của người Kitô hữu và là “bản chất của Giáo hội” (Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 2003).
Bằng cách nào để Loan báo Tin Mừng?
1. Chắc chắn, là người Kitô hữu, không ai có thể nào quên được nhiệm vụ của mình, luôn nỗ lực tìm kiếm mọi phương thế để thực thi việc rao giảng Tin Mừng – truyền giáo, nhưng trong thực tế do nhiều nguyên nhân, chúng ta đã lựa chọn và đang thực hiện một phương thức truyền giáo “truyền thống” đó là “Truyền giáo bằng chính đời sống đạo đức của mỗi người”.
Cách truyền giáo này chưa phát huy được sức mạnh tập thể của mọi thành phần Dân Chúa trong một thời gian dài, dẫn đến kết quả đáng buồn: tỷ lệ người Công giáo ở nước ta trong suốt gần bốn thập kỷ qua (tính từ 1975) không tăng, luôn ở mức hơn 6% dân số cả nước.
2. Trước ngày 30-4-1975, khi mà Giáo Hội ở miền Bắc gặp muôn vàn khó khăn, ở miền Nam, “Người giáo dân, ở mọi lứa tuổi, đều có nhiều cơ hội để dấn thân phục vụ Giáo hội qua việc thường xuyên được mời gọi để sinh hoạt trong các hội đoàn. Các hội đoàn này được chia ra làm hai loại: (1) chuyên biệt, tức dành cho một giới tính, hạn tuổi, ngành nghề, môi trường hoạt động nào đó; và (2) không chuyên biệt, chung cho mọi thành phần giáo dân. Mục tiêu của các hội đoàn Công giáo Tiến hành này rất đa dạng: đạo đức, giáo dục đức tin và nhân văn, làm việc tông đồ”. (Uỷ Ban Giáo Dân thuộc HĐGMVN, Vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội Việt Nam 50 năm qua, WHD 16-11-2010).
Thật vậy, từ giáo phận đến giáo xứ, có nhiều Hội đoàn Công giáo Tiến hành hoạt động, như Liên minh Thánh Tâm, Gia đình Phạt tạ (từ 1999, hai Hội đoàn này hợp nhất thành Gia Đình Phạt tạ Thánh Tâm hiện nay), Legio Mariae, Con Đức Mẹ, Thanh Sinh Công, Thiếu Nhi Thánh Thể. Mỗi hội đoàn có từ vài chục đến hàng trăm thành viên ở cấp giáo xứ.
Và dẫu linh đạo của mỗi hội đoàn có khác nhau nhưng tất cả có cùng một nhiệm vụ “ bằng mọi phương thế khác nhau để Loan báo Tin Mừng, … góp phần cùng với những người thiện chí xung quanh biến đổi xã hội theo chiều hướng tiến tới một xã hội lành mạnh hơn, công bằng hơn, và biết tôn trọng con người hơn” (Bđd).
3. Như thế, qua sinh hoạt hội đoàn, tất cả giáo dân cùng với các linh mục, tu sĩ tham gia vào việc truyền giáo, và việc truyền giáo đúng thật là công việc của toàn thể Dân Chúa.
Tái lập các hội đoàn Công giáo Tiến hành để thực hiện công việc truyền giáo
Thử tính, cứ một thành viên trong các hội đoàn suốt thời gian sinh hoạt của họ tìm đưa được một người thân, một người bạn, hoặc một người láng giềng đến với Chúa thì con số này trong toàn Giáo Hội Việt Nam chúng ta không phải là số nhỏ? Và phải chăng, trong thực tiển hiện nay, đó là phương thế truyền giáo hữu hiệu?
Có ít là 17 hội đoàn Công giáo Tiến hành – được liệt kê trong Giáo hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2005 – đã được Nhà nước Việt Nam nhìn nhận cách này hay cách khác. (Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVN, Giáo hội Công giáo Việt Nam: Niên giám 2005, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2005, tr 425).
Thiển nghĩ, việc chính thức tái lập các hội đoàn Công giáo tiến hành ở mỗi giáo xứ, giáo hạt, giáo phận là rất cần thiết để “các sinh hoạt phục vụ của các hội đoàn có thể dễ dàng giúp Giáo hội thực hiện sứ vụ của mình trong đường lối riêng của chính các hội đoàn và trong các điều kiện cụ thể của giáo xứ, giáo phận” (Bđd).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét