Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Cần hiểu đúng về vai trò của giáo dân trong các hoạt động của giáo xứ

Tôma Hoàng Kim Khánh 
Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, Huế
Có lẽ, không riêng ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác, số giáo dân thờ ơ với các sinh hoạt của giáo xứ ngày càng nhiều. Họ nghĩ rằng, các công việc liên quan đến cộng đoàn giáo xứ là công việc của Linh mục quản xứ (Cha Sở, Cha Xứ), phần họ, giữ đạo bằng việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật và các ngày Lễ trọng, sống Đạo bằng việc đóng góp vài ba chục ngàn mỗi năm vào quỹ hoạt động của giáo xứ, thế là đủ.

“Não trạng” này là mối ưu tư của các Đấng bậc trong Giáo hội. Đến mức, Đức Thánh Cha Benedictô thứ XVI đã phải lên tiếng khi nói với các giáo dân của một giáo xứ ở Rôma, “cần có sự thay đổi não trạng”,và chỉ rõ, “giáo dân là những người có chung trách nhiệm trong giáo xứ, chứ không chỉ là cộng sự viên của linh mục mà thôi”. (Zenit.org, ngày 7 tháng 3, 2010)

Đáng tiếc, có giáo dân đã hiểu sai lạc rằng, Đức Thánh Cha đã nâng vị trí giáo dân và một tổ chức của giáo dân trong mỗi giáo xứ là Hội Đồng Giáo Xứ (Hội đồng Mục vụ Giáo xứ) lên ngang hàng với Linh mục quản xứ, để họ cũng có quyền giảng dạy, quyền thánh hóa và quyền lãnh đạo giáo xứ như Cha Sở.

oOo

Giáo huấn của Giáo Hội, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội (Christus Dominus) và bộ Giáo Luật của Hội Thánh Công Giáo năm 1983 qui định những nhiệm vụ và quyền hạn của những thành phần dân Chúa trong Giáo Hội như Giám Mục, Linh mục, Phó tế và Giáo Dân. Bài viết này, chỉ xin đề cập đến nhiệm vụ và quyền hạn của Linh mục quản xứ và giáo dân trong các hoạt động của giáo xứ để từ đó, mỗi chúng ta hiểu đúng lời chỉ dạy nói trên của Đức Thánh Cha.

            1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Linh mục quản xứ.

Linh mục quản xứ là mục tử một xứ đạo dưới quyền Giám mục Giáo phận (GL.515.1) và cùng chia sẻ với Giám mục Giáo phận sứ vụ của Chúa Kitô để giáo huấn, thánh hóa và quản trị đoàn chiên (GL.530, 531, 532 và Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của các Giám Mục trong Giáo Hội. 30)

Và Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II, số 28 cũng qui định rõ về quyền hạn và nhiệm vụ của linh mục ở giáo xứ: “Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước”.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của giáo dân.

            Giáo dân có nhiệm vụ: Hiệp thông và chu toàn trách nhiệm theo luật định (GL.209), sống thánh giữa đời (GL.210) và rao giảng tin mừng (GL.211).

            Quyền hạn của giáo dân: Vâng phục chủ chăn, tức Linh mục quản xứ và Giám Mục địa phận (GL.212.1), bày tỏ ước vọng và góp ý xây dựng Giáo Hội với lòng tôn kính và vì công ích (GL.212.2 và 3).

            Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 31 định nghĩa Giáo dân là những người đã được tháp nhập vào thân thể Đức Kitô qua bí tích rửa tội. Giáo dân có nhiệm vụ tham gia theo phận vụ riêng của mình vào chức vụ tiên tri, tư tế và vương đế của Chúa Giêsu để kiện toàn Giáo Hội.

            3. Hội Đồng Giáo Xứ.

            Hội Đồng Giáo Xứ được thành lập nếu Giám mục Giáo phận xét thấy thuận lợi, nếu có thì do Cha sở chủ tọa, các giáo dân được Cha Sở chọn lựa, tùy theo chức vụ được phân công tham gia vào việc mục vụ trong giáo xứ (GL.536.1). Hội Đồng Giáo xứ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do Giám Mục giáo phận đã ấn định (GL.536.2)

            Giáo luật không buộc mỗi giáo xứ phải có Hội Đồng Giáo Xứ, nhưng từ sau Công Đồng Vaticanô II, tại miền Nam Việt Nam, để giáo dân có thể cộng tác tích cực hơn với Linh mục quản xứ, tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động ở giáo xứ, các Giám mục giáo phận đã cho phép thành lập Hội Đồng Giáo Xứ ở mỗi giáo xứ, hoạt động theo Quy chế Hội Đồng Giáo Xứ do Giám mục giáo phận ký ban hành. Sau 30-4-1975, do nhiều khó khăn chung, và riêng ở mỗi giáo xứ, việc thành lập Hội Đồng Giáo Xứ hay không, tùy ở Linh mục quản xứ với sự chuẩn thuận của Giám mục giáo phận. Điều này hoàn toàn đúng với Giáo luật. Nhưng theo Giáo luật, mỗi giáo xứ phải có Hội Ðồng Kinh Tế được điều hành bởi luật phổ quát và bởi các quy tắc do Giám Mục giáo phận ban hành. Trong Hội Ðồng ấy, các giáo dân được tuyển chọn theo các quy tắc nói trên, có nhiệm vụ giúp Cha Sở trong việc quản lý mọi tài sản của giáo xứ (GL.537)

oOo

Từ những điều nói trên, chúng ta nhận ra: Nhiệm vụ của giáo dân là cộng tác với Linh mục quản xứ trong các hoạt động của giáo xứ, giáo dân không phải là người lãnh đạo giáo xứ, trách vụ này thuộc về Linh mục quản xứ.

Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội số 32, “Các chủ chăn trong Giáo Hội noi gương Chúa phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác; phần các tín hữu phải sẵn lòng hợp tác với các chủ chăn và những người giảng dạy”. Chính quan hệ phục vụ, hợp tác này là mối dây kết hợp tất cả con cái Chúa làm một, đồng thời khẳng định sự vững mạnh của giáo hội nhờ tất cả mọi chi thể.

Chung trách nhiệm, hay đồng trách nhiệm không có nghĩa là cùng quyền hạn và cùng nhiệm vụ. Khi mời gọi giáo dân “chung trách nhiệm trong giáo xứ”, Đức Giáo Hoàng Bênêdictô thứ XVI mong muốn mọi giáo dân trong giáo xứ chung vai gánh vác việc giáo xứ, vì cộng đoàn giáo xứ hôm nay, ngày mai như thế nào tùy thuộc vào tất cả mọi thành viên trong cộng đoàn chứ không phải chỉ riêng Linh mục quản xứ.

Tuy nhiên, sự hợp tác của giáo dân với Linh mục quản xứ đến mức độ nào tùy thuộc vào khả năng của giáo dân, thực tế của giáo xứ, sự khôn ngoan được hướng dẫn bởi Thánh Thần Chúa của mỗi Linh mục quản xứ.

Xã hội loài người luôn thay đổi nhưng Giáo Hội Chúa đã qua hai thiên niên kỷ tồn tại và phát triển trong sự quan phòng của Chúa Cha nhờ Chúa Thánh Thần.

Cầu xin Chúa cho mỗi người giáo dân chúng con hôm nay nhận ra được vai trò của mình nơi Giáo Hội địa phương, là Giáo Xứ, dấn thân phục vụ Chúa cách chân thành, khiêm tốn với lòng tin mạnh mẽ vào Lời Chúa Kitô: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20) và “trên Đá này Thầy xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét