Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Góp ý của giáo dân về việc đào tạo giáo dân



Tin vui :
Trong Mùa Chay, và đặc biệt gần đến Đại lễ Phục Sinh, anh chị em giáo dân Huế to nhỏ chuyện : “ Một Học Viện Thần Học sẽ được mở tại Trung Tâm Mục Vụ Huế để đào tạo những giáo dân có trình độ cao về thần học”.
Mỗi người mỗi suy nghĩ, người mừng vì công việc đào tạo giáo dân được các Đấng bậc trong giáo phận quan tâm, và, là lẽ thường, có người lo lắng, không biết công việc này có đạt được kết quả mong muốn không ? hay rồi cũng như những khóa học trước đây ?
Vui hơn, khi đọc tin trên WHĐ (ngày 27-4-2011) : Trong buổi gặp gỡ thân tình với các Giám mục  Việt Nam tại Phòng hội Phaolô Nguyễn Văn Bình của Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, sáng ngày 26-4-2011, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh nói với các Giám mục Việt Nam : …Giáo hội cần quan tâm đặc biệt đến nhiệm vụ giáo dục các Kitô hữu trong ơn gọi linh mục, độc thân dâng hiến, và giáo dân trưởng thành, những lãnh đạo tương lai, để trực diện với tình hình xã hội hôm nay vốn đang bị bao phủ bởi não trạng duy vật, duy thế tục và dửng dưng.
Vui quá ! Vì rõ ràng việc giáo dục Kitô hữu, trong đó có việc đào tạo giáo dân để họ đủ khả năng cùng với hàng giáo sĩ gánh vác trọng trách xây dựng và phát triển giáo hội trong bối cảnh xã hội liên tục đổi thay đang là mối quan tâm hàng đầu của các Đấng bậc trong giáo hội, là yêu cầu cấp thiết của giáo hội hiện nay
Và nỗi lo
Không phải đến hôm nay, Giáo hội Công Giáo nói chung, cách riêng Giáo hội Công Giáo Việt Nam chúng ta, đặt ra vấn đề Đào tạo giáo dân, mà từ thực tiển hoạt động, các linh mục quản xứ hoặc phụ trách các ban, ngành, đoàn thể, các Giám mục ở mỗi giáo phận đã làm công việc này.
Nhưng do quá nhiều khó khăn khách quan và chủ quan, thành thật để nhận rằng, việc đào tạo giáo dân trong thời gian qua, không phải chỉ riêng ở giáo phận Huế, chưa được tổ chức hoàn hảo, chưa đạt hiệu quả cao.
Dẫu vẫn còn khó khăn, nhưng vì tầm quan yếu của nó. Nên phải chăng đến lúc giáo hội, qua Tổng Giám Mục Đại Diện Tòa Thánh, đặt lại vấn đề đào tạo giáo dân với các Giám mục Việt Nam, sao cho đúng tầm của công việc này ?
Nên chăng?
Là giáo dân, và cũng đã từng được tham dự nhiều khóa đào tạo (Loan báo Tin Mừng, Truyền thông, Giáo dân Nòng cốt, …) tôi muốn được đóng góp một vài ý kiến chỉ với lòng mong công việc này thêm phần tốt đẹp.
          1. Trước tiên, về tổ chức, mỗi giáo phận hiện có Ủy ban Văn hóa Giáo dục nên chăng ủy ban này đảm nhận thêm công việc đào tạo giáo dân (Gọi là Ủy ban Văn hóa – Giáo dục - Đào tạo) ?, hay thêm một Tiểu ban Đào tạo Giáo dân trong Ủy ban Giáo dân ? Nhưng chuyên môn hơn, theo thiển ý nên có Ủy ban Đào tạo riêng, chuyên chăm vào công việc này.
          2. Nhưng, quan trọng hơn là nhân sự và sự hoạt động của các Ủy ban hoặc Tiểu ban nói trên. Trong cơ cấu tổ chức và sinh hoạt của các giáo phận hiện nay, đặc trách các ủy ban là các linh mục quản xứ, có linh mục là Quản hạt, kiêm nhiệm.
          Công việc ở một giáo xứ, một giáo hạt chiếm hết thời gian, công sức của các linh mục rồi, còn đâu để lo đến công việc của ủy ban mà các ngài đặc trách ? Nên chăng mở rộng để cho các giáo dân có chuyên môn, có năng lực hợp tác với các ngài ?
          Chính vì thiếu người, (và thiếu cả phương tiện, tài chính,…) nên trong thực tế, có ủy ban cả năm không có một hoạt động cụ thể nào, nếu không muốn nói là không hoạt động.
          3. Khi đã có, từ đây tạm gọi là Ủy ban Đào tạo Giáo dân, Ủy ban này sẽ nghiên cứu để xây dựng một Chương trình đào tạo giáo dân trong từng giai đoạn, về lâu dài; và kế hoạch thực hiện chương trình đó.
          Giáo dân được đào tạo để có đủ năng lực, đạo đức đảm nhận phần công việc của họ (mà lâu nay các giáo sĩ phải làm thay) theo nhịp độ xây dựng và phát triển của giáo hội, và chia sẻ công việc với hàng giáo sĩ (lâu nay không biết nhờ ai). Đây chính là mục tiêu của việc đào tạo giáo dân.
          Các giáo phận hiện nay chưa cần đến những giáo dân có trình độ chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó như Thần học, Kinh Thánh, Giáo luật, Thánh nhạc, … mà đang rất cần những Giảng viên Giáo lý giỏi, những tác viên Tin Mừng hoạt động có phương pháp, những Chức việc biết cách quản trị giáo xứ, những giáo dân nòng cốt biết tổ chức các hoạt động trong xứ đạo, …Thực tế này, chỉ ra rằng : Nội dung đào tạo tùy vào yêu cầu hoạt động của giáo hội.
          4. Nếu như thế, những giáo dân sau khi được đào tạo, họ có việc để làm, và làm tốt công việc của họ. Đây chính là hiệu quả của việc đào tạo và là tiêu chí đánh gía việc đào tạo.
          Tổ chức đào tạo theo kiểu “phong trào”, “tràn lan”, … như xưa nay vừa hao tốn công sức, tiền của, hiệu quả thấp, .. dứt khoát cần loại bỏ.
          5. Cũng như các Ủy ban khác, điều lo lắng của Ủy ban Đào tạo (sẽ có ?) là tài chính. Dĩ nhiên, vì tương lai của giáo hội, Giám mục giáo phận, Ủy ban Tài chính giáo phận sẽ liệu tính, nhưng cũng nên trong mỗi năm, mỗi giáo xứ trích tiền oi một vài Chúa nhật, chuyển về giáo phận làm Quỹ Đào tạo giáo dân.
          Điều này, có thể sẽ có người không đồng thuận, nhưng theo lẽ công bằng thì cộng đoàn giáo xứ được hưởng nhờ những lợi ích từ việc đào tạo giáo dân, cộng đoàn giáo xứ phải có bổn phận chứ ?
          6. Cùng với quá trình đào tạo giáo dân, là quá trình “mở cửa” của các Đấng bậc ở mọi cấp trong cơ cấu tổ chức của giáo hội. Ví như, một giáo dân đã qua đào tạo, có đủ khả năng làm việc cho cộng đoàn, nhưng thật đáng tiếc, khi họ bị “lãng quên” bởi linh mục quản xứ, hoặc bời Hội Đồng Giáo xứ vì một lí do “quá xa cũ”. 
Hy vọng:
Sau Đại Hội Dân Chúa 2010, chúng ta cảm nhận được “những sắc màu mới” trong các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam. Màu của sự hiệp nhất - hiệp nhất giữa các giám mục, giữa giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân với nhau, giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa Thánh; màu của sự hợp tác giữa mọi người có cùng Cha trên Trời; màu của đối thoại, lắng nghe, tin yêu, ...
Những sắc màu ấy làm nên bức tranh Giáo hội Công Giáo Việt Nam tuyệt đẹp !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét