Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Nhìn nhận sự tự do cá nhân là giá trị căn bản của người Kitô hữu

Charles Gave
 
Charles Gave (14.9.1943) người Pháp: chủ tịch Viện nghiên cứu về Tự do, một cơ quan tư vấn (think tank) độc lập. Ông là nhà kinh kế và tài chánh. Ông được công chúng biết đến qua một tiểu luận “Des lions menés par des ânes – Đàn Sư tử được đàn lừa dẫn dắt” (Nxb. Robert Laffont, năm 2001). Ông tố cáo đồng Euro và các hoạt động  tiền tệ của nó. Tác phẩm mới nhất của ông “L’État est mort, vive l‘état -Nhà Nước đã chết, nhà nước muôn năm” (Nxb. François Bourin phát hành 2009) đã tiên báo trước việc suy sụp của Ai Cập và Tây Ban Nha. Ông là sáng lập viên và chủ tịch công ty nghiên cứu các thị trường kinh tế và tài chính Gavekal Research (www.gavekal.com) và công ty chứng khoán Gavekal Securities. Charles Gave còn là thành viên Hội đồng quản trị của SCOR[1].

Tự do cá nhân, nền tảng chính của xã hội Tây phương. Tin Mừng được xem như là suối nguồn của sự tự do này. Các nước Tây phương nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, khác hẳn với trách nhiệm mang tính tập thể của hệ thống tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Ai đó đọc sách Tin Mừng không thể không bị đánh thức vì đầy dẫy những tiếng gọi Tự do cá nhân. Hoàn toàn trái ngược với Do Thái giáo, không bao giờ Đức Kitô đề cập đến cộng đồng, nhóm, đến trách nhiệm “tập thể”, đến bộ tộc, đến ‘lý do Nhà Nước’, một cái cớ luôn luôn đưa ra để biện minh cho các tội ác.

Kitô giáo là hệ thống tri thức đầu tiên hoàn toàn phá vỡ chủ nghĩa bộ tộc và những dẫn xuất vô nhân đạo của nó. Vì vậy, Kitô giáo phá bỏ khái niệm tập thể. Không có đạo đức tập thể, chỉ có đạo đức cá nhân. Không có sự Thiện tập thể, chỉ có ở nơi mỗi cá nhân khi sự Thiện được nhân rộng ra.

Thế giới trở nên có tốt đẹp hơn không phải do chúng ta có được một hệ thống chính trị hoàn hảo, điều đó không thể có bởi vì con người là bất toàn (khái niệm về tội nguyên tổ) nhưng là do mỗi người trong chúng ta lao động cải thiện thế giới trong thầm lặng và bằng cách làm tốt những điều ở chung quanh mình, bằng các phương tiện mình có.

Chưa khi nào Đức Kitô nói với một trong các môn đệ của Ngài: “Con hãy đi nói với ông nọ bà kia làm việc này, việc nọ”, chưa khi nào. Ngài nói “Nếu con nghĩ điều gì đó cần phải làm, con hãy làm đi”. Và mục đích duy nhất của Chúa Giêsu là làm sao cho cá nhân chúng ta đích thân gặp Ngài.

Đối với Ngài, rõ ràng Thiên Chúa chỉ biết MỘT người và để đến với Thiên Chúa phải qua Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi. Khi mỗi một người muốn hoàn thiện bản thân không thể không nói đến mối tương quan với người khác, vì vậy, không ai được quyền xét đoán hành vi người anh em. “Đừng xét đoán nếu anh em không muốn bị xét đoán”. Lời cảnh tỉnh này nói lên trách nhiệm của cá nhân và tự do cá nhân là nhân tố đã khai sinh nên nền văn minh của chúng ta. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra được điều này trong đời sống hằng ngày.
Chúng ta là nền Văn minh DUY NHẤT đặt Cá nhân vào trung tâm của hệ thống, nền Văn minh duy nhất và đó là điều làm cho nền Văn minh ấy lớn lên.

Sứ điệp của Đức Kitô tự bản chất đã mang yếu tố cách mạng, nhưng cuộc thay đổi này chỉ đến từ bên trong của mỗi con người, không đến từ bên ngoài như nhiều người lầm tưởng.

Nay ta đi đến kỷ nguyên hiện đại, bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Sứ điệp của Đức Kitô, mà Giáo Hội đã mang trong nhiều thế kỷ, cuối cùng đã đạt đến điều mà ngày nay ta có thể gọi là Xã hội Dân sự và đó là sự xuất hiện của điều mà ta gọi là các tư tưởng thời kỳ Ánh sáng.

Mục đích của các tư tưởng thời kỳ Ánh sáng là pháp điển hóa trong Luật và Văn bản Luật  sứ điệp Tin Mừng (nhiều triết gia thời kỳ Ánh Sáng, trong bản thể sâu xa, là Kitô hữu): Trước mắt Thiên Chúa, ngay từ khi sinh ra, mọi người đều bình đẳng.

Và công việc của các triết gia thời Ánh Sáng cho phép hình thành một cách khá nhanh chóng (không đầy một thế kỷ) các quy định pháp luật nhắm đến ba điều sau:

1/ Ngăn chặn những người giàu và những người có quyền lực thay thế dưới một hình thức khác hay một kiểu nô lệ khác, và nhưvậy là tái lập sự bất bình đẳng.

2/ Ngăn chặn những “người nhỏ bé” khỏi tàn sát những kẻ trọc phú và những kẻ có quyền hành khi mà các Jacqueries[2] (các cuộc nổi dậy của những người nông dân nghèo khổ, người dịch) tất yếu phải làm thế vì mất hết niềm tin vào các giai cấp thống trị, điều này dẫn đến việc những người nhỏ bé phạm tội ác cao nhất, là tội giết người.

3/ Để đạt đến hai mục đích này, cần có một nhà nước mạnh, những cũng cần phải ngăn chận nhà nước đó  khỏi trở thành độc tài. Nhà nước phải có quyền lực nhưng quyền lực phải được giới hạn và được kiểm soát.

Ba quy định pháp luật, được đưa ra vào kỷ nguyên Ánh Sáng nhằm đạt đến các mục đích này, xác lập nên nội dung chính yếu của điều gọi là Chủ nghĩa Tự do. Cũng cần ghi nhận, Chủ nghĩa Tự do đã không hề đề cập đến kinh tế mà liên quan đến Pháp Luật bởi vì chỉ có một nền Pháp Luật bình đẳng mới cho phép tất cả mọi người thực thi Tự do cá nhân.

Một khi những quy định này được thiết lập, tại Scotland, tại Hoa Kỳ, tại Vương Quốc Anh và nhiều nước khác xuất hiện “phép lạ” tăng trưởng kinh tế, luôn luôn làm thay đổi bộ mặt thế giới. Nhưng tăng trưởng kinh tế là kết quả của việc thành lập các quy định pháp luật chứ không phải là nguyên nhân như nhiều người đã lầm tưởng.

Thật kỳ lạ, Giáo hội Công giáo từ lâu đã phản đối các quy định mới này, chúng như đụng tới huấn quyền luân lý của Giáo Hội, trong lúc những cải cách của các tư tưởng Ánh Sáng lại được thực hiện ở các giáo phái Tin Lành. May mắn thay, điều mà Giáo hội chống đối nói ở trên, nay không còn nữa, và nếu có sự phủ nhận giá trị tự do của các nhà tư tưởng Ánh sáng thì chỉ còn sót lại ở Giáo hội Công giáo cổ[3], cách riêng ở Pháp, hỡi ôi, thay thế một sai lầm này bằng một sai lầm khác…

Từ chỗ này mà sự việc trở thành tồi tệ.

Có một niềm Tin tôn giáo mới, mạnh mẽ chống đối những nguyên tắc của Chủ nghĩa tự do, được khai sinh, Chủ nghĩa xã hội, niềm Tin mới này khai sinh một giáo hội mới và giáo hội mới này đã thành công một cách bi thảm nhất trong việc đổi hướng di sản của Lịch sử, bằng cách cho rằng chỉ có họ mới hiểu các phúc âm và họ cần phải chinh phục nhà nước bằng cách thực hiện bằng vũ lực sứ điệp về sự bình đẳng mà họ tìm thấy ẩn tàng trong đó.

Đây là gian lận về mặt trí tuệ chưa từng có trong Lịch sử và chúng ta đang phải đối mặt với một sự trở lại ngấm ngầm của chế độ bộ lạc thấp kém nhất, mục đích là để thiết lập một loại chế độ Thần quyền thế tục dựa vào sự ghen tuông và lòng hận thù với người hàng xóm, chính phủ đó đã nhân danh điều Thiện, nhưng trong thực tế chỉ có lợi cho một hàng giáo sĩ mới.

Chủ nghĩa xã hội không phải là người thừa kế trực tiếp của Kitô giáo, nhưng là phản đề, là  kẻ đối nghịch xấu xa của Kitô giáo, chủ nghĩa này, mặt khác, ở khắp mọi nơi và luôn luôn khủng bố các Kitô hữu.

Vì vậy, chúng ta phải tố cáo, luôn luôn tố cáo, rồi lại tố cáo sự lừa bịp này và không ngừng ghi nhớ nguồn gốc chúng ta đến từ đâu. Chúng ta nguồn gốc từ Tin Mừng và điều đó không được quên. Chúng ta tin tưởng vào Pháp Luật nhưng nó chả có gì để xem vì các luật tạm bợ được đa số xu thời bỏ phiếu thông qua.

Nguồn: http://institutdeslibertes.org/
BBT chuyển ngữ

[1] SCOR là công ty tài chính Pháp được thành lập năm 1970. Hiện nay Tập đoàn SCOR (tập đoàn tái bảo hiểm lớn thứ 5 trên thế giới) được tổ chức thành hai doanh nghiệp chính gồm SCOR Global P&C (tái bảo hiểm tài sản và rủi ro) và SCOR Global Life (tái bảo hiểm nhân thọ), cộng thêm SCOR Global Investments, công ty quản lý danh mục vốn đầu tư của tất cả các đơn vị của Tập đoàn SCOR.

[2]  Jacqueries: ám chỉ các cuộc nổi loạn của nông dân rất có ảnh hưởng ở cuối thời trung cổ tại châu Âu, đặc biệt tại miền Bắc nước Pháp vào mùa hè năm 1358, trong cuộc chiến tranh “Trăm năm”. Sau một vài tuần bạo lực ở trung tâm trong thung lũng Oise phía bắc Paris, các cuộc nổi loạn đã bị dập tắt. Cuộc nổi loạn này được gọi là Jacqueries vì giới quý tộc chế diễu nông dân bằng cách tạo một hình nộm, cho mặc áo và gọi mỉa mai là “Jacques” hoặc “Jacques Bonhomme”.

[3] Công giáo Cổ (Vieux catholiques, Old Catholics) nhóm Công giáo tự tách ra khỏi Giáo Hội vì không chấp nhận Tín điều vô ngộ của Giáo hoàng do Công đồng Vatican I công bố năm 1870. Họ tự xưng là “Công giáo Cổ kính” họp thành những Giáo Hội ở Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Pháp và một số nước khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét