Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Giàu nghèo phải chăng tại số phận?

Tôma Hoàng Kim Khánh
 
Khi phải giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày chẳng hạn, chúng ta đã từng nghĩ, cũng từ bụi đất Chúa dựng nên tôi, nên mọi người, nhưng hạt bụi nào thành người giàu có, hạt bụi nào thành anh La-da-rô nghèo khó? (Lc 16,19-31), và hạt bụi nào “hóa kiếp thân tôi”?

Một thoáng nao lòng, chúng ta thầm trách, sao Chúa dựng nên con nghèo khó thế này? Sao số con nghèo khó thế, Chúa ơi!

Có người lắm của, nhiều tiền (giàu) nhưng không có người bạn thân nào cả (nghèo). Có cụ ông, cụ bà sống đơn sơ, thiếu thốn (nghèo) nhưng con cháu xum vầy, yêu thương, giúp đỡ nhau (giàu). Giàu nghèo nhiều nghĩa, chúng ta chuyện trò với nhau theo nghĩa giàu nghèo về của cải, vật chất theo Kinh Thánh và Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) thôi nhé.

Lao động là bổn phận, là công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói
Thiên Chúa sau khi tạo dựng Adam và Eva, cặp vợ chồng đầu tiên, giao cho họ nhiệm vụ khuất phục trái đất và thống trị mọi sinh vật (St 1,28). Thống trị nghĩa là, phải canh tác và chăm sóc của cải do Thiên Chúa tạo dựng nên (St 2,15). Kể từ khi Adam và Eva phạm tội, đất đai trở nên cằn cỗi, con người phải lao động cực nhọc mới có của ăn (St 4,12). Nhưng cho dù, tổ tiên chúng ta không phạm tội chăng nữa, con người vẫn được mời gọi canh tác và chăm sóc tạo vật vì lời mời gọi của Thiên Chúa có trước khi con người phạm tội.

Như vậy, lao động làm ra của cải vật chất “không phải là một hình phạt hay là một sự chúc dữ”, là “nguồn đem lại những điều kiện để con người có được một cuốc sống tươm tất, và trên nguyên tắc, đó là một công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói” (GHXHCG 256-257).
Giàu nghèo bởi tại số?

Đức Giêsu sau khi giáng sinh làm người, Ngài đã dành phần lớn năm tháng sống trên đời này để lao động tay chân trong xưởng mộc của thánh Giuse (Mt 13,55; Mc 6,3). Ngài chê trách những người biếng nhác (Mt 25,14-30), khen ngợi những người cần mẫn làm ăn (Mt 24,46).

Giáo huấn Xã hội Công giáo số 264 dạy rằng các Kitô hữu phải làm việc theo cung cách của Đức Kitô và biến nó thành cơ hội để làm chứng về Ngài. Không có người Ktô hữu nào được miễn trừ lao động, và sống dựa vào người khác.

Vâng, theo gương Chúa Giêsu, thực hiện lời dạy của Giáo Hội, tôi cần mẫn lao động. Nhưng sao tôi vẫn nghèo và người khác thì giàu thêm?

Kết quả của cơ chế

Ngay từ khi xã hội loài người được hình thành, đã có tình trạng người giàu kẻ nghèo. Thời Cựu ước, giàu nghèo được nhìn nhận như ân phúc của Chúa, nhưng cũng có khi được xem như là một sự kiện tự nhiên. Đáng tiếc, những lạm dụng của cải vật chất của người giàu vào lúc ấy tạo ra những bất công trong xã hội, cảnh người nghèo bị bốc lột, đàn áp, mà các Tiên tri đã phải lên án, lên tiếng bênh vực họ (GHXHCG 323-324).

Rồi, tình trạng ngày càng thêm bi thảm.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa phải đến, với việc ban Thánh Thần của mình và làm cho các tâm hồn hoán cải, nhằm thiết lập Nước Thiên Chúa, để mọi người sống đời sống xã hội theo cung cách mới, trong công lý, tình huynh đệ, sự liên đới và chia sẻ.

Nhưng, dẫu đã phải chết, mục đích ấy cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Vì thế, Giáo Hội do Ngài thiết lập, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, tiếp tục công việc của Chúa Giêsu: tìm kiếm công bằng cho người nghèo, giải thoát những kẻ bị áp bức, … xây dựng một trật tự xã hội mới, trong đó có những giải pháp thích đáng để giải quyết sự nghèo nàn vật chất, và trong đó người ta kiểm soát hữu hiệu hơn các thế lực đang tìm cách ngăn cản những cố gắng của người nghèo muốn giải thoát mình khỏi những điều kiện sống cơ cực (GHXHCG 325).

Như vậy, giàu nghèo, dẫu bạn đã cần mẫn lao động như bạn nói, là kết quả của một cơ chế quản lý, điều hành xã hội bởi con người không phải do Thiên Chúa. Vì từ ban đầu, khi tạo dựng nên con người, và sau khi con người phạm tội, Chúa vẫn mong ban cho mọi người, không trừ ai, hạnh phúc và no đủ mà. 


Xin hãy cọng tác với Chúa qua Giáo Hội để điều Chúa muốn cho mọi người thành hiện thực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét