Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Sinh hoạt gia đình giáo xứ Kim Long: Giáo dục con cái

Giáo xứ Kim Long

Tối 23.2.2014, giáo xứ Kim Long, Huế, có thêm buổi sinh hoạt chung gia đình giữa các Gia trưởng, Hiền mẫu, gia đình trẻ và cả một số cụ bà. Đề tài học hỏi lần này về Giáo dục con cái, do cha Antôn Nguyễn Văn Tuyến, quản xứ Phú Hậu và đồng thời đặc trách Ban mục vụ gia đình của Hạt Thành Phố, trình bày. Buổi sinh hoạt này tiếp nối buổi sinh hoạt chung trước đó vào tháng 10.2013, do cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ hướng dẫn về đề tài “Hôn nhân và gia đình Kitô giáo, một ơn gọi nên thánh”.

Các tham dự viên đã được Cha Antôn, với kinh nghiệm mục vụ gia đình của ngài, giúp hiểu “thừa tác vụ giáo dục” của các bậc làm cha mẹ mà Tông huấn Familiaris consortio ở các số 36-41 nói đến:

“Vì là người truyền sinh sự sống trực tiếp cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là phải giáo dục con cái. Khoa sư phạm hiện đại cho thấy cha mẹ không chỉ phải lãnh trách nhiệm dạy con từ thuở còn thơ mà phải dạy con từ thuở còn là “thai nhi”. Thật vậy, cha mẹ chính là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của con cái. Vai trò giáo dục đặc thù này thuộc yếu tính của Tình phụ tử và mẫu tử, nên không thể thay thế và không thể chuyển nhượng cũng như không thể khoán trắng cho ai khác hay bị ai tước đoạt được” (số 36).

Bổn phận giáo dục quan trọng này được Tông huấn gọi là “Thừa tác vụ”: “Nhờ bí tích Hôn Nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên thành phẩm giá và ơn gọi của một “Thừa Tác Vụ” đích thực trong Giáo Hội để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Giáo Hội”. Thừa tác vụ giáo dục của các cha mẹ kitô-hữu thật lớn lao và thật đẹp, đến nỗi Thánh Tôma không ngần ngại so sánh nó với Thừa Tác Vụ Linh Mục: “Có những người truyền bá và nuôi dưỡng sự sống thiêng liêng và điều này được thực hiện do Bí Tích Hôn Nhân, trong đó người nam và người nữ kết hợp với nhau để sinh ra con cái và giáo dục con cái biết thờ phượng Thiên Chúa” (số 38).

Đức Thánh Cha tấn phong 19 Hông Y mới

G. Trần Đức Anh, O.P

VATICAN. Sáng ngày 22-2-2014, lễ kính Tòa Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhóm Công nghị đầu tiên để tấn phong 19 Hồng y mới.

Hiện diện trong buổi lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, đặc biệt có Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Ngài ngồi cạnh các Hồng Y thượng phụ và đẳng Giám Mục. Đây là lần đầu tiên ngài xuất hiện tại Đền thờ Thánh Phêrô trước công chúng từ sau khi từ nhiệm cách đây gần một năm.

18 tiến chức Hồng y ngồi phía trước bàn thờ, gần đó phía sau là 130 Hồng y, khoảng 100 giám mục và 9 ngàn tín hữu, trong đó có thân nhân, giáo hữu và 15 phái đoàn chính phủ các nước: phái đoàn Brazil và Haiti do Tổng thống liên hệ làm trưởng đoàn; nhiều phái đoàn các nước khác do các vị ngoại trưởng hoặc bộ trưởng hướng dẫn. Đặc biệt cũng có phái đoàn của chính phủ Việt Nam gồm 5 người do ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng ban tôn giáo chính phủ, làm trưởng đoàn. Đoàn đến dự để mừng ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, khi còn làm thứ trưởng ngoại giáo, ngài đã 3 lần hướng dẫn phái toàn Tòa Thánh sang thăm Việt Nam và làm việc với các quan chức chính phủ.

Thành phần tiến chức Hồng Y

Nhìn nhận sự tự do cá nhân là giá trị căn bản của người Kitô hữu

Charles Gave
 
Charles Gave (14.9.1943) người Pháp: chủ tịch Viện nghiên cứu về Tự do, một cơ quan tư vấn (think tank) độc lập. Ông là nhà kinh kế và tài chánh. Ông được công chúng biết đến qua một tiểu luận “Des lions menés par des ânes – Đàn Sư tử được đàn lừa dẫn dắt” (Nxb. Robert Laffont, năm 2001). Ông tố cáo đồng Euro và các hoạt động  tiền tệ của nó. Tác phẩm mới nhất của ông “L’État est mort, vive l‘état -Nhà Nước đã chết, nhà nước muôn năm” (Nxb. François Bourin phát hành 2009) đã tiên báo trước việc suy sụp của Ai Cập và Tây Ban Nha. Ông là sáng lập viên và chủ tịch công ty nghiên cứu các thị trường kinh tế và tài chính Gavekal Research (www.gavekal.com) và công ty chứng khoán Gavekal Securities. Charles Gave còn là thành viên Hội đồng quản trị của SCOR[1].

Tự do cá nhân, nền tảng chính của xã hội Tây phương. Tin Mừng được xem như là suối nguồn của sự tự do này. Các nước Tây phương nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân, khác hẳn với trách nhiệm mang tính tập thể của hệ thống tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Ai đó đọc sách Tin Mừng không thể không bị đánh thức vì đầy dẫy những tiếng gọi Tự do cá nhân. Hoàn toàn trái ngược với Do Thái giáo, không bao giờ Đức Kitô đề cập đến cộng đồng, nhóm, đến trách nhiệm “tập thể”, đến bộ tộc, đến ‘lý do Nhà Nước’, một cái cớ luôn luôn đưa ra để biện minh cho các tội ác.

Kitô giáo là hệ thống tri thức đầu tiên hoàn toàn phá vỡ chủ nghĩa bộ tộc và những dẫn xuất vô nhân đạo của nó. Vì vậy, Kitô giáo phá bỏ khái niệm tập thể. Không có đạo đức tập thể, chỉ có đạo đức cá nhân. Không có sự Thiện tập thể, chỉ có ở nơi mỗi cá nhân khi sự Thiện được nhân rộng ra.

Thế giới trở nên có tốt đẹp hơn không phải do chúng ta có được một hệ thống chính trị hoàn hảo, điều đó không thể có bởi vì con người là bất toàn (khái niệm về tội nguyên tổ) nhưng là do mỗi người trong chúng ta lao động cải thiện thế giới trong thầm lặng và bằng cách làm tốt những điều ở chung quanh mình, bằng các phương tiện mình có.

Chưa khi nào Đức Kitô nói với một trong các môn đệ của Ngài: “Con hãy đi nói với ông nọ bà kia làm việc này, việc nọ”, chưa khi nào. Ngài nói “Nếu con nghĩ điều gì đó cần phải làm, con hãy làm đi”. Và mục đích duy nhất của Chúa Giêsu là làm sao cho cá nhân chúng ta đích thân gặp Ngài.

Đối với Ngài, rõ ràng Thiên Chúa chỉ biết MỘT người và để đến với Thiên Chúa phải qua Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi. Khi mỗi một người muốn hoàn thiện bản thân không thể không nói đến mối tương quan với người khác, vì vậy, không ai được quyền xét đoán hành vi người anh em. “Đừng xét đoán nếu anh em không muốn bị xét đoán”. Lời cảnh tỉnh này nói lên trách nhiệm của cá nhân và tự do cá nhân là nhân tố đã khai sinh nên nền văn minh của chúng ta. Bất cứ ai cũng có thể nhận ra được điều này trong đời sống hằng ngày.

Hai Giáo Hoàng: Một hình ảnh hiếm có!

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn / Vietcatholic
Vatican – 22.2.2014 – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong buổi lễ tấn phong 19 Hồng Y của Hội Thánh Công Giáo vào sáng thứ bẩy, 22.2.2014 tại đền Thánh Phêrô kể từ khi Ngài từ chức và nghỉ hưu.

Trước khi khai mạc ĐGH Phanxicô đã tiến đến người tiền nhiệm của mình là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và hai Giáo Hoàng ôm choàng nhau thắm thiết trong tình anh em Giáo Hoàng.

Giây phút gặp gỡ chính thức trước công chúng này của hai Giáo Hoàng đã làm cho thế giới chờ đợi đến gần cả một năm qua, mặc dù trước đó hai Ngài đã gặp nhau tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo và trong nội thành Vatican thì hôm nay mới là lúc mọi người hiện diện trong đền thánh và qua truyền hình trực tiếp được chứng kiến tỏ tường. Nhiều người đã nhỏ lệ nhìn thấy hai vị ôm choàng nhau. Một hình ảnh thật hiếm có như thế.

Giàu nghèo phải chăng tại số phận?

Tôma Hoàng Kim Khánh
 
Khi phải giải quyết những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày chẳng hạn, chúng ta đã từng nghĩ, cũng từ bụi đất Chúa dựng nên tôi, nên mọi người, nhưng hạt bụi nào thành người giàu có, hạt bụi nào thành anh La-da-rô nghèo khó? (Lc 16,19-31), và hạt bụi nào “hóa kiếp thân tôi”?

Một thoáng nao lòng, chúng ta thầm trách, sao Chúa dựng nên con nghèo khó thế này? Sao số con nghèo khó thế, Chúa ơi!

Có người lắm của, nhiều tiền (giàu) nhưng không có người bạn thân nào cả (nghèo). Có cụ ông, cụ bà sống đơn sơ, thiếu thốn (nghèo) nhưng con cháu xum vầy, yêu thương, giúp đỡ nhau (giàu). Giàu nghèo nhiều nghĩa, chúng ta chuyện trò với nhau theo nghĩa giàu nghèo về của cải, vật chất theo Kinh Thánh và Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) thôi nhé.

Lao động là bổn phận, là công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói
Thiên Chúa sau khi tạo dựng Adam và Eva, cặp vợ chồng đầu tiên, giao cho họ nhiệm vụ khuất phục trái đất và thống trị mọi sinh vật (St 1,28). Thống trị nghĩa là, phải canh tác và chăm sóc của cải do Thiên Chúa tạo dựng nên (St 2,15). Kể từ khi Adam và Eva phạm tội, đất đai trở nên cằn cỗi, con người phải lao động cực nhọc mới có của ăn (St 4,12). Nhưng cho dù, tổ tiên chúng ta không phạm tội chăng nữa, con người vẫn được mời gọi canh tác và chăm sóc tạo vật vì lời mời gọi của Thiên Chúa có trước khi con người phạm tội.

Như vậy, lao động làm ra của cải vật chất “không phải là một hình phạt hay là một sự chúc dữ”, là “nguồn đem lại những điều kiện để con người có được một cuốc sống tươm tất, và trên nguyên tắc, đó là một công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói” (GHXHCG 256-257).

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Ngày Tình yêu Valentine 2014: Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các bạn trẻ sắp kết hôn

  WHĐ (15.02.2014) – Chiều ngày lễ Tình yêu Valentine 14-02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ ba mươi ngàn bạn trẻ Công giáo sắp kết hôn, tề tựu tại quảng trường Thánh Phêrô, theo lời mời của Hội đồng Tòa Thánh về Gia đình. Sắp bước vào cuộc sống hôn nhân, các bạn trẻ mong muốn tìm hiểu thêm về ơn gọi hôn nhân của mình qua đề tài được gợi ý: Người ta không kết hôn sau khi mọi chuyện đã được giải quyết, nhưng là để cùng nhau giải quyết mọi vấn đề. Lời cam kết trọn đời chung thủy phải mở ra một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hướng đến tương lai hy vọng.

Đức Thánh Cha lắng nghe các bạn trẻ đọc thơ, ca hát, nêu các chứng từ và đặt câu hỏi. Ba đôi bạn đính hôn thay mặt các bạn trẻ nêu các băn khoăn, thắc mắc của người trẻ về tình yêu, hôn nhân và cuộc sống gia đình. Đức Thánh Cha gửi đến các bạn trẻ những gợi ý suy tư về nỗi băn khoăn người ta có thể yêu nhau trọn đời không. Ngài nói:

“Ngày nay có nhiều người sợ đưa ra những chọn lựa dứt khoát. Đối với họ dường như không thể đưa ra cam kết trọn đời được. Chính với não trạng này, nhiều người bảo chỉ Sống Chung bao lâu còn yêu nhau. Vậy tình yêu là gì? Có phải chỉ là cảm xúc, là một trạng thái tâm-sinh lý? Nếu như thế người ta chẳng thể xây đắp được gì cho vững chắc. Tình yêu là một tương quan và là điều đang lớn dần lên như một tòa nhà được xây dựng cho hai người, chứ không phải chỉ cho một… Các con đừng xây tòa nhà đó trên cát là những cảm xúc mau qua chóng tàn. Hãy xây trên tảng đá tình yêu, một tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa. Gia đình phát sinh từ một kế hoạch yêu thương đang lớn dần lên như một tòa nhà để trở thành không gian cho yêu thương, hy vọng và chia sẻ. Tình yêu của Thiên Chúa là mãi mãi, nên tình yêu kiến tạo gia đình cũng phải như thế. Đừng để cho thứ văn hóa tạm bợ thống trị”.

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Ngày Hội Khuyến học năm 2014 của giáo xứ Bình Điền



Tôma Hoàng Kim Khánh 
 “Ngày Hội Khuyến học năm 2014” của giáo xứ Bình Điền được tổ chức sáng ngày 09/2 nhằm ngày Mồng 9 Tết Giáp Ngọ tại tiền sảnh Thánh đường. Ngoài “mọi người, mọi nhà” trong giáo xứ tham dự, còn có nhiều thân hữu đến từ các giáo xứ Phủ Cam, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Bến Ngự, Phú Hậu, Ngọc Hồ, …
Cách đây vài năm, trong giáo xứ còn có con em thất học, hoặc phải bỏ học khi học hết bậc trung học cơ sở, rất ít em có cơ may học tiếp bậc trung học phổ thông. Lúc bấy giờ, tìm cách nào để hổ trợ con em, mà có phải chỉ học chữ thôi đâu, còn phải học đạo nữa, không phải là việc dễ dàng.
Ông Philipphê Nguyễn Linh, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ đương nhiệm cho biết và kể, “… các vị trong HĐGX tiền nhiệm đã cùng với cha quản xứ họp bàn nhiều phiên và cuối cùng thống nhất: mọi thành viên trong giáo xứ đều có bổn phận và trách nhiệm đối với công viêc khuyến học, khuyến học cả chữ và đạo. Từ quyết định đó, “Ngày Hội Khuyến học của giáo xứ” được tổ chức nhằm mời gọi mọi người góp phần mình vào Quỹ Khuyến học, đến nay trở thành một sinh hoạt truyền thống của giáo xứ vào dịp đầu năm Âm lịch.”  

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bắt đầu nghĩ đến việc thoái vị từ lúc nào?

Đặng Tự Do

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 bắt đầu nghĩ đến việc thoái vị từ lúc nào? Đức Hồng Y Tarcisio Bertone có câu trả lời.
 
Trong cuộc phỏng vấn trực tiếp dành cho RomeReports, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, nguyên Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cho biết vào giữa năm 2012 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nói với ngài về ý định thoái vị.

Đức Hồng Y nói:

"Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nghĩ về quyết định này từ lâu trước khi công bố. Ngài đã nói với tôi điều đó vào giữa năm 2012. Tôi đã nói với Đức Giáo Hoàng về tất cả những vấn nạn có thể nảy sinh nếu ngài làm như vậy. Nhưng, ngài cảm thấy mệt mỏi, gánh nặng tuổi tác đè nặng trên ngài. Ngài quan tâm đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro . và thường tự hỏi mình, ‘ở tuổi của tôi, tôi sẽ nói với hàng triệu người trẻ như thế nào đây?’ Như ngài đã giải thích sau này, vào ngày 11 tháng Hai năm ngoái, ngài cảm thấy để thực hiện đầy đủ sứ vụ Phêrô, ngài cần có năng lực thể chất và tinh thần mạnh mẽ hơn nữa. Ngài tự mình giải thích với tôi, nhưng tôi thường nói với ngài, 'Nhưng thưa Đức Thánh Cha, ngài vẫn còn phải hoàn thành bộ ba cuốn về Đức Giêsu thành Nadarét, và kết thúc cuốn sách về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Nó sẽ là một món quà Giáng Sinh tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng dành cho dân Chúa. Sau đó, còn tông thư về đức tin, mà ngài vẫn còn đang soạn dở dang, thêm vào đó là năm Đức Tin chỉ mới bắt đầu.’ Nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã quyết định rằng ngày ngài thoái vị là ngày 11 tháng Hai năm, 2013, Ngày Lễ Đức Mẹ Lộ Đức."

Trong những tháng sau đó, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã bảo vệ bí mật này cho đến khi quyết định này được công bố vào ngày 11 Tháng Hai năm 2013 .

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Ái Tín



 giaodangiaophanhue.blogspot.com đau buồn báo tin

Anh Batôlômêô Phaolô Mai An
người sưu tầm các bài Tin Mừng Chúa nhật hàng tuần để chia sẻ trên blog của chúng ta
đã được Chúa gọi về lúc 13g ngày 07/02/2014.

Anh Batôlômêô Phaolô, ở giáo xứ Cầu Hai,
là thành viên Ban Công Lý & Hòa Bình Huế,
là học viên lớp Thần Học Giáo Dân thuộc Học viên Thánh Kinh Huế.

Xin quý bạn đọc

 hiệp ý cầu xin Chúa ban phúc Thiên Đàng cho linh hồn Batôlômêô Phaolô

Anh Batôlômêô Phaolô (Bìa trái) 
tham dự một phiên họp của Ban CL&HB Huế

Đức TGM TGP Huế trao phần thưởng cho anh Batôlômêô Phaolô 
nhân kết thúc năm học 2012-2013 của lớp Thần Học Giáo Dân


Người đi đường tốt nhất là người biết giữ đường đi cho những người đi sau

Anna Trương Thị Dược (St)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 5, Thường Niên năm A mời gọi chúng ta hãy là “muối cho đời, là ánh sáng cho thế gian”. Việc là muối cho đời, ánh sáng thế gian không phải khởi đi từ những việc to lớn, mà từ những việc rất nhỏ trong đời sống hàng ngày. Thà thắp lên một niềm hy vọng, một lời động viên, môt lời ủi an hơn là càm ràm, chê trách...
Hạnh phúc chỉ đến với mình khi mình làm cho người khác bớt đau khổ hơn.
Ai cũng càm ràm đống đá giứa đường. Họ chỉ nghĩ đến hạnh phúc của họ, mà không nghĩ làm cho người khác được hạnh phúc. Mời quý vị đọc câu chuyện sau:

Ngày xửa ngày xưa, một vị vua xây được con đường hiện đại cho thần gian của ông sử dụng. Sau khi hoàn thành, nhưng trước khi nó được mở cửa cho công chúng, nhà vua quyết định có một cuộc thi. Ông mời các đối tượng có ý muốn tham gia. Thử thách là để tìm ra ai có thể đi trên đường hiện đại này cách tốt nhất, và người chiến thắng sẽ nhận được một hòm vàng.

Ban Công Lý - Hòa Bình Tổng giáo phận Huế khởi động chương trình mục vụ năm 2014


Tôma Hoàng Kim Khánh
http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=11810:ban-cong-ly-hoa-binh-tng-giao-phn-hu-khi-ng-chng-trinh-mc-v-nm-2014&catid=3:tin-tuc-tong-giao-phan-hue&Itemid=4

http://conglyvahoabinh.org/ban-cong-ly-va-hoa-binh-tgp-hue-khoi-dong-chuong-trinh-muc-vu-nam-2014/2014/02/

Lúc 8g30 ngày 08/02/2014 (Mồng 9 Tết Giáp Ngọ) 26 học viên năm thứ ba của lớp Thần học Giáo dân thuộc Học viện Thánh Kinh Huế, đến từ các giáo xứ trong Tổng giáo phận Huế, hiện diện tại phòng hội Trung tâm Mục vụ Huế để bắt đầu chương trình Học kỳ II với môn học Giáo Huấn Xã hội Công Giáo (GHXHCG).

Theo phân phối chương trình, năm học 2012-2013, các học viên năm thứ hai đã học tập phần Sự hình thành Giáo Huấn Xã hội Công Giáo và các Nguyên tắc căn bản của giáo huấn; học kỳ II năm học này, 2013-2014, các học viên năm thứ ba sẽ học tập các chuyên đề: Gia đình – Tế bào sống động của xã hội, Lao động của con người, Đời sống kinh tế, và Cộng đồng chính trị; phần còn lại của GHXHCG, các học viên sẽ học tập vào học kỳ II của năm thứ tư, niên khóa 2014-2015.

Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Trưởng ban Giáo dân và Trưởng ban CL&HB Tổng giáo phận Huế, Chủ nhiệm môn Giáo Huấn Xã hội Công Giáo của học viện cho biết như trên, và ngài thêm rằng, “Buổi học sáng nay khởi đầu cho chương trình mục vụ năm 2014 của Ban CL&HB Huế.”

Các thành viên Ban CL&HB được phân công chia sẻ với các học viên nội dung của các chuyên đề theo phương châm “cùng học với các học viên”, mỗi tuần 2 tiết, từ nay đến ngày 12/4/2014.

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Đức hồng y Maradiaga giải thích về cải tổ

WHĐ (04.02.2014) – Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình, mục vụ cho những người ly dị tái hôn, cải tổ Giáo triều Roma: đó là những đề tài được đề cập trong cuộc trò chuyện của Đức hồng y Oscar Maradiaga với một tờ nhật báo Đức. Vị hồng y người Honduras, điều phối viên của nhóm tám Hồng y tư vấn cho Đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng trong Giáo hội có những điều không thể thay đổi vì đó là thánh ý của chính Chúa Giêsu Kitô. Nhưng cũng có những quyết định của con người có thể thay đổi được và thậm chí cần phải thay đổi.

Quan điểm của Đức Thánh Cha –đề cao đối thoại và thương xót– đã hướng dẫn hoạt động của Nhóm Hồng y tư vấn về nhiều mặt. Và các Hội đồng Giám mục có thể mở rộng thẩm quyền và hoạt động của mình. Theo Đức hồng y Maradiaga, đây là một trong những thành quả tốt đẹp nhất của Công đồng Vatican II. Các Hội đồng Giám mục có thể đưa ra nhiều quyết định hơn mà không cần phải để cho Giáo triều Rôma xem xét mọi thứ. Đức hồng y giải thích: Trong những năm gần đây, việc tập quyền vào Roma đã gây ra những tổn thương và khơi lên những bất bình.

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Tin Mừng Chúa nhật IV TN-A ngày 02/02/2014

Khó nghèo

Mai An (st)                                             

Phật Thích Ca đã xác quyết trong bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarét bằng câu: Vạn sự vô thường, vạn sự khổ. Nghĩa là mọi sự đổi thay không ngừng, nên mọi sự chỉ là khổ đau. Sinh, bệnh, lão, tử. Con người sinh ra để rồi ốm yếu, già lão và cuối cùng là chết chóc. Rõ thật đời là bể khổ mà mỗi người là một cánh bèo trôi dạt trên đó.

Năm trăm năm sau, Đức Kitô xuất hiện trên đất Palestin, đã tuyên bố trong bài giảng đầu tiên: Phúc cho ai có tâm hồn khó nghèo, vì Nước Trời là của họ.
Một người bị mang tiếng là bi quan yếm thế, còn người kia thì lại bị coi là không tưởng, lạc quan thái quá. Một bên coi đời là bể khổ, còn một bên lại nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch trống trơn. Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời giờ cũng như sức lực để nghiên cứu, suy tư và bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Chúa Giêsu. 

Đã có cả những luận án trình bày và so sánh về hai bài giảng đó. Tuy nhiên, chẳng mấy ai hiểu được chính xác nội dung ý nghĩa của hai bài giảng có tính cách tiên tri ấy. Vì thật ra, cả Đức Phật lẫn Chúa Giêsu, đều không chủ ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ, mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại của các Ngài chính kinh nghiệm sống của mình.