Trước mặt nhân loại, mỗi người tín hữu giáo dân phải là chứng nhân của sự phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người phải góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng và truyền bá cho thế giới tinh thần của những người sống Tám Mối Phúc Thật. Người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống (x. LG 38).
Trong tinh thần ấy, Mẹ Giáo Hội, qua Huấn quyền, bằng Giáo Huấn Xã Hội của mình đã và đang nỗ lực hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa, trong đó có Giáo dân là lực lượng đông đảo nhất, dấn thân sâu rộng vào mọi cảnh huống thực tại của xã hội để đem sức sống của Đấng Phục Sinh cho con người và thế giới hiện tại này.
Vì vậy, GHXH của Giáo hội cần được mọi người tín hữu giáo dân đón nhận và thực thi để có thể sống chứng nhân Tin Mừng cách hiệu quả.
I. Khái Quát về GHXHCG
1. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội chính là một cách thế loan báo Tin Mừng cho con người hôm nay, bởi vì làm chứng cho tình yêu của Đức Kitô ngang qua các công trình phục vụ công lý, hoà bình và phát triển là thành phần của loan báo Tin Mừng.
ĐGH Gioan Phaolô II trong thông điệp Centesimus Annus số 5 đã minh định: “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, công cuộc “Tân Phúc Âm hóa” phải bao gồm việc rao giảng những điểm quan trọng của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội… chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được. GHXHCG không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, GHXHCG như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.”
2. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội là một sự trình bày chính xác những thành quả suy tư nghiêm túc về các thực tế phức tạp của đời sống con người, trong xã hội và trong trật tự quốc tế, dựa vào ánh sáng đức tin và truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của sự trình bày này là lý giải các thực tại ấy, xác định xem chúng có phù hợp hay không với đường hướng giáo huấn của Tin Mừng liên quan đến con người và thiên chức của con người, một thiên chức vừa trần thế vừa siêu việt; mục đích là để hướng dẫn người Kitô hữu biết cách cư xử cho đúng.
3. Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài theo bước chân của các sứ giả ra đi loan báo Tin Mừng, khởi từ thời các Thánh Tông Đồ. Đó chính là một nổ lực rao giảng và dùng ánh sáng Lời Chúa để soi chiếu các thực tại của con người trong bối cảnh xã hội của mỗi thời đại. Nơi Giáo Huấn này, mọi thành phần Dân Chúa khi đối diện hay phải đương đầu với những thực tại xã hội phức tạp, khó khăn sẽ kín múc được những nguyên tắc để suy tư các tiêu chuẩn để phán đoán và các chỉ dẫn để thực hành. Với những ai thành tâm thiện chí và mọi thành phần trong xã hội thì Giáo Huấn này như là một đóng góp tích cực của Giáo Hội Công Giáo nhằm đưa ra những ý kiến, giải pháp cũng như định hướng để xây dựng một nền văn minh tình thương, xây dựng một xã hội có công lý và hòa bình.
II. GHXHCG Cần Thiết cho Đời Sống của Kitô Hữu Giáo Dân
1. Nhờ Bí Tích Thanh tẩy người tín hữu Giáo dân được tháp nhập vào Đức Kitô và được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Chính vì thế, cũng được Đức Kitô chia sẻ và chọn gọi để thực thi, sứ vụ dấn thân Loan báo Tin Mừng.
Tín hữu Giáo dân sẽ thực thi sứ vụ này ngay chính trong môi trường sống và làm việc của mình. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình; sự dấn thân vào chuyên môn trong thế giới lao động, văn hóa, khoa học và nghiên cứu việc thực hành các trách nhiệm xã hội, kinh tế và chính trị.
Tất cả những thực tại con người trần thế – cả cá nhân lẫn xã hội, bao gồm những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng như các cấu trúc và các định chế – là bối cảnh mà trong đó người tín hữu giáo dân sống và làm việc. Những thực tại này là những nơi mà người ta đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Sự dấn thân của họ phải phù hợp với tầm nhìn này và được nhìn nhận như một cách diễn tả lòng bác ái theo Tin Mừng.
Đối với tín hữu giáo dân, sự hiện diện và hoạt động của họ trong thế giới không chỉ là một thực tại mang tính nhân học và xã hội học, nhưng theo một cách thức đặc biệt, đó còn là một thực tại mang tính thần học và Giáo Hội học nữa. Bởi vì, Giáo dân sẽ hoạt động với tư cách của một con người có phẩm giá cao quí được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa, hơn thế nữa, với tư cách mang một phẩm giá mới cao trọng hơn, tư cách là người Con Chúa nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô. Bên cạnh đó, người tín hữu Giáo dân khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy họ được gia nhập vào cộng đoàn Dân Chúa, là thành phần của Giáo hội và làm nên Giáo Hội. Họ sẽ hoạt động với tư cách là thành viên của Dân Chúa. Do đó, Sự hướng dẫn của Huấn quyền, qua GHXHCG, giúp cho họ sống đúng phẩm giá làm người, làm con Chúa trong lòng thế giới và có khả năng hiệp nhất cùng toàn thể Giáo hội thực thi sứ vụ là điều cần thiết và quan trọng.
2. GHXH của Giáo Hội sẽ trang bị cho tín hữu giáo dân những giá trị nền tảng rút ra từ Tin Mừng để họ có thể sống đúng phẩm giá của mình và góp phần tích cực xây dựng đời sống xã hội đạt tới tầm mức viên mãn. Sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội được thực hiện bằng việc phục vụ, đó là dấu hiệu và sự biểu lộ của tình yêu, được thể hiện trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị theo những khía cạnh đặc trưng. Tuân theo những đòi hỏi khác trong lĩnh vực lao động đặc biệt của mình, giáo dân nam nữ diễn tả sự thật của lòng tin và đồng thời cũng diễn tả sự thật của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, làm cho Giáo huấn này hoàn toàn trở thành một thực tại khi Giáo huấn ấy được sống một cách cụ thể với mục đích để giải quyết các vấn đề xã hội.
III. GHXHCG Là Kim Chỉ Nam cho sự Dấn Thân của Tín hữu Giáo Dân trong Xã Hội:
1. GHXHCG cung cấp các nguyên tắc Nhân Vị, Công Ích, Bổ Trợ và Liên Đới là những giá trị căn bản soi sáng người tín hữu giáo dân biết định hướng, phán đoán và quyết định hoạt động của mình trong đời sống xã hội theo đúng phẩm giá của người môn đệ Đức Kitô.
Các nguyên tắc của Giáo huấn này được rút ra từ ánh sáng của Luật tự nhiên và ánh sáng của Tin Mừng cho nên tự nó có giá trị vĩnh cửu đối với mọi nền văn hóa, với mọi định chế, cơ cấu xã hội và với mọi người. Khi Nhân Vị hay phẩm giá con người không được tôn trọng mới nảy sinh áp bức, bất công, mới đưa tới tình trạng vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân phẩm, con người trong xã hội không có cơ hội để vươn lên, để trưởng thành. Khi người ta không tôn trọng công ích thì người ta dễ dàng vì tư lợi, vì sự ích kỷ tham lam mà hành xử, quyền lợi phe nhóm sẽ lấn át chi phối mọi sự vận hành của xã hội. Khi người ta sống mà không biết bổ trợ, nâng đỡ nhau, liên đới với nhau thì trong xã hội sẽ nảy sinh lối sống thờ ơ vô cảm, mạnh ai nấy sống, mạnh được yếu thua.
2. GHXH hướng dẫn người tín hữu giáo dân sống đúng tinh thần phục vụ của Đức Kitô, Đấng vì yêu nhân loại đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Giáo huấn này đòi hỏi, trong bất cứ trường hợp nào, mỗi lựa chọn đấn thân được thực hiện phải bắt nguồn từ lòng bác ái và hướng tới việc đạt được công ích.
Nhờ tinh thần phục vụ trong tình yêu của Đức Kitô, người ta mới có thể đạt được điều đó cách tốt nhất và đúng đắn nhất với lương tâm Kitô hữu. Cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô dù ở bất cứ bậc sống nào Giáo sĩ, Tu sĩ hay Giáo dân trong mọi hoàn cảnh, môi trường sống và làm việc của mình; cho dù là một cuộc vật lộn giữa đời để mưu sinh cho bản thân và gia đình thì dứt khoát luôn luôn phải mặc lấy tâm tình yêu thương phục vụ của Đức Kitô. GHXH của Giáo hội được đúc kết từ kinh nghiệm ngàn đời xuyên suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội, đó là kinh nghiệm của người môn đệ khi thực thi sứ vụ phục vụ Tin Mừng, phục vụ con người. Do đó, Giáo huấn này bảo đảm đưa ra cho người tín hữu những hướng dẫn có giá trị tốt nhất, chắc chắn nhất và căn bản nhất giúp họ dấn thân phục vụ giữa lòng đời hôm nay.
3. GHXH thúc đẩy người tín hữu giáo dân trở nên những con người hữu ích, tích cực xây dựng một xã hội phát triển vững bền. Khi trung thành bước đi trong ánh sáng Tin Mưng bằng sự soi sáng cụ thể và nhất quán của GHXH, người tín hữu giáo dân sẽ biết vận dụng tất cả năng lực, trí tuệ và công sức của mình để góp phần tích cực vào công cuộc Loan báo Tin Mừng, mà qua đó, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, một xã hội, mà Giáo Hội theo lời dạy của Thầy Chí Thánh luôn nỗ lực rao giảng và kiến tạo Nước Trời giữa lòng trần thế.
Trong xã hội ấy phẩm giá con người luôn được tôn trọng và được phát triển ở mức cao nhất, quyền con người được nhìn nhận và phát huy mạnh mẽ để tất cả biết cống hiến vì một cộng đồng nhân ái, thịnh vượng và phát triển. Và người ta thực sự biết sống cho nhau, vì nhau và với nhau. Chính vì thế, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi Huấn từ cho các Đức Giám Mục nhân dịp Ad limina ngày 27/ 06/ 2009 đã nhắn nhủ tín hữu Việt nam: “ Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng: là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt.”
Hiện nay xem ra người ta thích tranh cãi với nhau thế nào là người Công giáo tốt, thế nào là người Công dân tốt để rồi đưa ra vấn nạn về sự xung khắc, xung đột giữa việc sống đạo và việc thực thi nghĩa vụ hay quyền công dân để biện minh cho việc không dám sống Tin Mừng hay tìm cách bóp méo ý tưởng của Đức Giáo Hoàng phục vụ cho mưu đồ ích lợi riêng. Điều đó làm cho người ta quên đi rằng dù là người công giáo tốt hay công dân tốt, tất cả là hoa quả của việc chính tự thân mỗi người phải rèn luyện, tu dưỡng bản thân có được lòng yêu thương bao dung biết sống vì người khác, có lương tâm trong sạch, biết sống trung thực và luôn sẵn lòng hy sinh phục vụ vì ích lợi chung, ở đây, lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha là muốn nhấn mạnh đến việc tu dưỡng rèn luyện bản thân: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích,” không có vế này đi trước, làm trước thì không thể có vế sau: “anh chị em phải chứng tỏ rằng: là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt.” Vế trước là tiền đề để chứng minh cho vế sau; vế trước là nền tảng để đạt tới vế sau.
Ngày nay, trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa, trong bối cảnh của xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, trì trệ, bất công, nghèo đói đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp làm nhức nhối lương tâm của bao triệu con tim khao khát vươn lên, khao khát tình yêu và công lý, khao khát chân lý và tự do, con người cần phải được tiếp cận, cần phải được lắng nghe công bố Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Tin Mừng đem lại sự cứu độ, tình yêu, công lý và hòa bình. Chính trong bối cảnh này, GHXH của Giáo Hội sẽ giúp người ta khám phá những giá trị cao quí của Tin Mừng.
Khi mọi người, cách riêng các tín hữu giáo dân sống theo sự hướng dẫn, soi sáng của GHXH trước những vấn nạn, thách đố của xã hội, sẽ có khả năng và cũng giúp cho anh chị em chung quanh có khả năng gia tăng niềm tin vào Thiên Chúa, khả năng thắp sáng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng và khả năng mở rộng con tim để yêu thương. GHXH của Giáo Hội quả thực đóng vai trò quan trọng và cần thiết cho đờị sống Giáo Hội nói chung và đời sống của người tín hữu giáo dân nói riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét