Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2013

Giáo huấn Giáo Hội về Giáo dục Giới tính

Tôma Hoàng Kim Khánh

Một vài con số
   
    - “Với trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên; Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 5 thế giới” (1). 
    - Theo thống kê của khoa Xã hội học trường Đại học Mở TPHCM, năm 2010, có khoảng 1/3 các bạn trẻ sống thử (sống chung như vợ chồng không có đăng ký kết hôn) trước hôn nhân” (2).
    - “Theo thống kê của Bộ Lao Động Thương binh Xã hội, công bố năm 2012, mỗi năm, trung bình cả nước xảy ra 1.000 vụ xâm hại tình dục. Trong đó, trẻ em bị hiếp dâm chiếm 65%. …” (3). 
    - “Ở Việt Nam, trung bình có 4,8 trong số 100 đôi hôn nhân đã phải ly dị. …” (4).
    … Một vài con số nói trên chỉ mới phản ánh một góc mặt xã hội, chúng ta đang sống, trên đà tục hóa. 

và nguyên nhân

    Người ta đưa ra nhiều nguyên nhân, từ phía bản thân, từ gia đình, từ xã hội, … để lý giải cho những con số nói trên. Nhưng rõ ràng nguyên nhân sâu xa của chúng là do những giá trị đạo đức nền tảng của con người, của xã hội đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, duy vật chất, … và nguyên nhân gần là do gia đình, nhà trường, xã hội không quan tâm hoặc quan tâm chưa đầy đủ đến việc giáo dục giới tính cho con cái, giới trẻ - tương lai của đất nước, dân tộc.
    Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (Trưởng bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) đã phát biểu trong hội thảo “Vẽ đường cho hươu chạy đúng” do Hội quán các bà mẹ và trường Việt Úc tổ chức tại TPHCM, ngày 03/6/2012, “Trái với suy nghĩ của nhiều người, biết nhiều trẻ sẽ hư thì các nghiên cứu cho thấy, việc được giáo dục về giới tính tốt và sớm giúp trẻ (con cái chúng ta) nhận thức rất nhiều về bản thân như sống có trách nhiệm, biết tự bảo vệ mình, không quan hệ tình dục sớm và tự tin hơn” (5).
    Hệ lụy của việc không quan tâm đến giáo dục giới tính nghiêm trọng đến mức không còn là sự lo lắng của các bậc làm cha mẹ mà là thách đố của toàn xã hội, và Giáo Hội Công Giáo chúng ta.

Nội dung giáo dục giới tính ?

    - Giáo dục giới tính đề cập đến các khía cạnh về sinh học, văn hoá xã hội, tâm lý và tâm linh của vấn đề giới tính, từ lĩnh vực nhận thức (thông tin) đến lĩnh vực tình cảm (cảm xúc, giá trị, thái độ) và lĩnh vực hành vi (kỹ năng truyền thông, giao tiếp và kỹ năng quyết định) của mỗi cá nhân (6).
    - Nhờ việc giáo dục giới tính mà con cái chúng ta hiểu đúng đắn về tính dục, từ đó biết trân quí chính mình, tình yêu, hôn nhân, gia đình; và sống, hành động có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Giáo huấn Xã hội Công giáo với việc giáo dục giới tính

    Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG), từ số 238 đến 243, đề cập đến vai trò của cha mẹ, của gia đình trong việc giáo dục con cái. Đặc biệt ở số 243, GHXHCG chỉ rõ, “Cha mẹ cũng có trách nhiệm đặc biệt trong việc giáo dục giới tính” vì một khi con cái chúng ta được “dạy dỗ môt cách trật tự và tuần tự về ý nghĩa của tính dục, cũng như được học để biết quý trọng những giá trị luân lý và nhân bản đi đôi với tính dục” chúng sẽ đạt được sự trưởng thành quân bình.” 
    Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Familiaris Consortio (Tông huấn về Gia đình), số 37, viết “Vì có sự liên quan mật thiết giữa khía cạnh tính dục với những giá trị đạo đức của con người, nên việc giáo dục phải giúp con cái hiểu biết và tôn trọng các chuẩn mực luân lý, coi đó như những nguồn bảo đảm cần thiết và hết sức giá trị để con người được trưởng thành một cách có trách nhiệm trong tính dục của mình.”
    Việc giáo dục giới tính cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình - những người làm cha mẹ - giữ vai trò quan trọng. GHXHCG, số 243, đề nghị, cha mẹ có bổn phận tìm hiểu các phương pháp được sử dụng trong nhà trường, ngoài xã hội để chắc chắn rằng những nội dung quan trọng, tế nhị thuộc về giáo dục giới tính được trình bày cách thích đáng.

Tạm kết

    Giáo Hội Công Giáo, trong lời mở đầu của Tuyên ngôn Gravissimum Educationis (TN. về Giáo dục Kitô giáo, 1966), đã long trọng tuyên bố, “ … để chu toàn sứ mệnh mà Chúa là Ðấng sáng lập đã trao ban, là loan truyền mầu nhiệm ơn cứu độ cho mọi người và thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô, Mẹ Thánh Giáo Hội có nhiệm vụ săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần tục, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục.”
    Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, việc giáo dục nói chung, giáo dục giới tính cho con cái nói riêng, là trách nhiệm, bổn phận của những người làm cha mẹ. “Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được. Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận hàng đầu, và bất khả nhượng của cha mẹ” (GLHTCG số 2221).
    Nhưng điều mà các bậc làm cha mẹ băn khoăn là giáo dục giới tính cho con cái bằng cách nào ? với nội dung gì ? và khi nào ? Nhiều người đồng ý rằng, tùy vào mỗi giai đoạn phát triển tâm sinh lý của con cái, cha mẹ bằng gần gũi và với tình yêu chia sẻ cho con cái những điều mình đã từng suy nghĩ, chọn lựa, hành động, … khi vào độ tuổi như con cái.
    Thật vậy, Lời Chúa, "Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy thay mặt Chúa giáo dục (nói chung) chúng bằng cách khuyên răn và sửa dạy" (Eps 6,4) cho chúng ta những nguyên tắc giáo dục con cái thực tế, đem lại hiệu quả, thích hợp với mọi nền văn hóa, mọi thời đại.

Nguồn trích dẫn
(1) http://danviet.vn/viet-nam-co-ty-le-nao-pha-thai-xep-thu-5-the-gioi/131570p1c31.htm.
(2) http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110303/9158
(3) http://laodong.com.vn/phap-luat/nan-hiep-dam-dang-de-doa-con-cai-chung-ta/129568.bld
(4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Danhs%C3%A1chqu%E1%BB%91cgiatheot%E1%BB%B7l%E1%BB%87lyh%C3%B4n
(5) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/duoc-giao-duc-gioi-tinh-som-tre-se-biet-tu-bao-ve-minh-603793.htm
(6) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-duc-gioi-tinh-can-mot-chuong-trinh-toan-dien-537346.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét