
http://conglyvahoabinh.org/su-that-cua-tinh-yeu-o-dau/2014/04/
“Bác ái phải cụ thể, trong tình yêu hành động quan trọng hơn lời nói, cho thì tốt hơn nhận.”
Có một sự thật rất rõ ràng phản ánh bác ái Kitô Giáo, đó là ‘sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo’. Ngay từ Giáo hội sơ khai đến hiện tại, truyền thống Giáo hội không ngừng thực hiện bác ái qua những việc làm cụ thể. Dù ai đó có thành kiến với Công giáo, không thể phủ nhận nỗ lực không mệt mỏi của giới Công giáo trên lãnh vực này.
Ưu tiên dành cho người nghèo, đó cũng là lựa chọn của triều đại giáo hoàng hôm nay.
Như một lời cam kết, Tân Giáo hoàng Phanxicô đã nói trước mặt 2500 đại diện 6000 người thuộc giới truyền thông vào ngày 16/03/2013, ngay khi vừa lãnh nhận chức vụ giáo hoàng “Tôi muốn một Giáo hội nghèo khó, vì người nghèo” sau khi ngài giải thích lý do tại sao lấy danh hiệu Phanxicô Assisi, một vị thánh nghèo, đã làm cho giới Công giáo, đặc biệt, giới truyền thông thích thú.
Người Công giáo hy vọng một Giáo hội đổi thay và thế giới chú tâm theo dõi ngài thực hiện lời cam kết đó.
Một chuyển tiếp kì lạ
Không ít người tin “có sự an bài của Chúa” trong hai sự kiện nóng bỏng nhất của Giáo hội Công giáo năm 2013: Giáo hoàng Bênêđictô XVI tự ý tuyên bố từ nhiệm chức vụ Giáo hoàng và sự kiện Giáo hoàng Phanxicô được bầu chọn vào chức vị này đã ảnh hưởng đến thế giới nói chung.
Giáo hội Công giáo của năm 2013 và trước đó, chính Giáo hoàng Bênêđictô XVI thừa nhận “Cộng đồng tín hữu gần đây đã bị tổn thương bởi các cuộc tấn công của tội lỗi. Chúng xâm nhập vào bên trong, ngay cả trung tâm của Hội Thánh”(1). Ngài muốn nói đến những vụ giáo sỹ lạm dụng tình dục, và tài chánh không minh bạch ở ngân hàng Vatican. Những khủng hoảng trầm trọng này, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi tác của ngài, có thể là lý do đưa đến quyết định từ nhiệm chức vụ giáo hoàng.
Cơn sóng dữ đã làm cho đức tin của người tín hữu chao đảo và thế giới mất lòng tin vào ‘chân, thiện, mỹ’ của một tôn giáo lớn.
“Hơn lúc nào hết, Giáo hội cần một vị lãnh đạo có đủ năng lực để giải quyết những khủng hoảng này”, đó là nhận định chung của giới truyền thông khi họ đưa ra khuôn mặt các ứng viên cho chức vụ giáo hoàng. Vatican có được một thời gian chuẩn bị cho ứng viên chức vụ giáo hoàng tốt hơn. Các hồng y có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kĩ lưỡng hơn về vị lãnh đạo Giáo hội tương lai.
Việc đến thì phải đến, Giáo hội Công giáo đã bầu xong giáo hoàng mới và tên tuối của Tân Giáo hoàng hoàn toàn không đúng với kiểu ‘đoán già đoán non’ của giới truyền thông. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tân Giáo hoàng Phanxicô đã làm cho giới truyền thông tốn nhiều giấy mực.
Chỉ trong thời gian ngắn, ngài đã gây bất ngờ: lấy lại lòng tin của thế giới vào Giáo hội.
Thế giới, không riêng người Công giáo đều ghi nhận sự quyết tâm của ngài. Cuối năm 2013, chỉ sau 9 tháng, Time, tạp chí nổi tiếng thế giới của Mỹ, bình chọn ngài là ‘Nhân vật của năm 2013’. Truyền thông thế giới liên tục đưa tin sự kiện này với tất cả sự trân trọng ‘Nhân vật của năm 2013’.
Người Công giáo có quyền hãnh diện sự kiện này, hỏi Giáo hoàng có thích thú không khi nhận được tin này? Cha Federic Lombardi, S.J., Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra nhận định sau đây:
“Cá nhân Đức Thánh Cha không phải là người mưu tìm công danh, vì ngài đã tận hiến cuộc đời của mình cho sứ vụ rao giảng Phúc Âm của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều làm cho Đức Thánh Cha cảm thấy hài lòng là sứ vụ này lôi cuốn mọi người nam cũng như nữ, và có thể đem lại hi vọng cho họ. Và nếu việc bình chọn “Nhân vật của năm” năm nay có nghĩa là có nhiều người hiểu được sứ điệp này – ít là mặc nhiên như thế – thì Đức Thánh Cha thực sự vui mừng”.
Và sự thừa nhận của một tap chí lớn nhất thế giới của Mỹ dành cho một lãnh tụ tôn giáo là một tin vui, có lợi cho một thế giới ngày càng xem nhẹ giá trị tâm linh: “Giải thưởng cao quý của báo chí quốc tế dành cho một nhân vật không ngừng thăng tiến những giá trị tinh thần, tôn giáo và luân lý cũng như kiên quyết kêu gọi hòa bình và gia tăng công bằng là một tín hiệu tích cực”, cha Lombardi nhận định.
Tôi muốn một Giáo hội nghèo khó
“Tôi muốn một Giáo hội nghèo khó, cho người nghèo”. Hình như, đức Phanxicô muốn là Giáo hoàng của hành động.
Khi công bố Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui Tin Mừng) vào ngày 26/11/2013 vừa qua, “Vì tôi được mời gọi đem ra thực hành điều tôi yêu cầu người khác, nên tôi cũng phải nghĩ tới việc hồi hướng chính ngôi vị giáo hoàng.” Rõ ràng, Giáo hoàng Phanxicô không chỉ nhằm kêu gọi người khác sống lối sống mới, mà còn nhắc nhở chính ngài cần phải hành động trước.
Thực hành đức khó nghèo, khiêm nhường, sống bình dân, giản dị là thói quen của ngài từ có ở quê nhà lúc còn làm Hồng y, Giám mục. Đến Vatican trên cương vị Giáo hoàng, ngài vẫn duy trì nếp sống như vậy: thay cho Thánh Giá vàng mang trước ngực, lại mang Thánh Giá bằng sắt và đôi giày đỏ được thay bằng đôi bốt đen.Thay vì ở Căn hộ Giáo hoàng tại điện Vatican, thì lại ở Lưu xá thánh Martha (một nhà khách của Vatican),giải thích cho Lm. Enrique Rodriguez, một người bạn, ngài nói: “Tôi không muốn sống trong Căn hộ Giáo hoàng vì nó làm cho tôi trở nên xa cách. Tôi chỉ đến đó để làm việc và thực hiện các cuộc tiếp kiến chung.”
Đi lại trong ‘lãnh thổ’ Vatican bằng chiếc Renault cũ kĩ được tân trang do cha xứ Renzo Zooca, chánh xứ giáo xứ thánh Lucia thành Pescantina ở thành phố Verona miền Bắc Ý dâng tặng. Khi tiếp nhận món quà đặc biệt này, ngài khuyên cha xứ “nên cho người nghèo thì tốt hơn”, cha Zooca thưa: “chiếc xe đó đã làm những cuộc hành trình từ thiện dài 300 ngàn km phục vụ cho người nghèo và nay đã đến lúc nó đến với Đức Thánh Cha”, ngài thích thú, vui vẻ nhận lời (2).
Không chỉ bằng việc làm, Giáo hoàng luôn lên tiếng sống nghèo để nghĩ đến người nghèo. Lần hành hương quê hương thánh Phanxicô Assisi (4/10/2013) ngài nói: “Tôi muốn cầu nguyện cho mọi Kitô hữu, cho Giáo hội, cho tất cả mọi người thiện tâm, để họ biếttừ bỏ của cải hay tất cả những gì không cần thiết, như vậy họ mới có thể sống khó nghèo và khao khát tình yêu.”
Ngay từ những ngày đầu trên cương vị giáo hoàng, ngài từ chối buổi hòa nhạc dành cho ngài nhân100 ngày sau khi lên ngôi giáo hoàng do Vatican tổ chức, dàn nhạc do đài truyền hình Rai (Ý) thực hiện với trên 6000 khách mời, ngài đã không thể đến, buổi hòa nhạc vẫn phải xúc tiến. Nhật báo La Vie (25/06/2013) nói rằng ngài ghét lối sống ‘theo kiểu thế gian’. Ba ngày sau cú sốc này, cảnh sát Ý đã bắt đức ông Scarano, một viên chức lớn của Cơ quan Tài chính Vatican (APSA) khi phát hiện ông mang lậu 20 triệu euro tiền mặt trên chuyến nay từ Thụy sĩ sang Ý. Sau scandal này, ngài đã cải tổ lại tổ chức này bằng cách nhờ một nhóm chuyên gia tài chính Mỹ giám sát, báo Tài chính Bloomberg phát hành ngày 2/07 thông tin như vậy. Còn Giáo hoàng, ngay khi biết tin này, ngài nói “Thánh Phêrô ngày xưa làm gì có tài khoản ở ngân hàng!” Có lẽ vì muốn một Giáo hội nghèo khó, ngài không để Giáo hội quá bận tâm đến tiền của, vào đầu tháng 10, Vatican chính thức công khai tài chính: Viện Giáo vụ (IOR, còn gọi là Ngân hàng Vatican) lần đầu tiên đăng tải công khai tình hình tài chính. IOR được xem là “vùng cấm” của Tòa thánh mà những thập niên qua bị chỉ trích là hoạt động thiếu minh bạch, thậm chí có thể có liên hệ với các tổ chức mafia.
Một quyết tâm khác liên quan đến “Tôi muốn một Giáo hội nghèo khó”, vào tháng 10, đức Phanxicô thẳng tay miễn nhiệm Giám mục Giáo phận Limburg (Đức) Franz-Peter Tebartz-van Elst vì lối sống xa hoa.
Vì người nghèo
Dửng dưng trước đau khổ người khác, đối với Giáo hoàng là xúc phạm đến Chúa Giêsu, ngài nhắc nhở:“Sự vô cảm sẽ hủy diệt linh hồn và vô cảm cũng sẽ hủy diệt Giáo hội!” “Hãy cầu xin Chúa cho tất cả chúng ta can đảm gạt bỏ sự vô cảm, vốn như bệnh phong và các bệnh ung thư của xã hội. Nó là hủy hoại những gì đã mặc khải bởi Chúa Kitô. Vô cảm là kẻ thù của Chúa Giêsu!” (4.10.203)
Đức Phanxicô rất gần gũi với người nghèo, người tàn tật, và với trẻ thơ. Hình ảnh ở đây đã tạo nên một làn sóng cảm kích của thế giới, và thế giới cũng rất thích thú khi ngài để yên cho một bé trai ngồi trên ghế giáo hoàng!
Giáo hoàng Francis tuyên bố: “Người nghèo là ưu tiên của giáo hội. Bất cứ cộng đồng Công giáo nào lãng quên những anh em khốn cùng cũng đứng trước nguy cơ tan rã”.
Quan tâm đến người nghèo cách cụ thể và khi có cơ hội. Ở Vatican có một trụ sở từng xây dựng cách đây 800 năm, dùng làm nơi nghỉ của những nhà ngoại giao lớn tuổi, gọi là Vatican Alomoner. Giáo hoàng Phanxicô quyết định trao trụ sở này cho Tổng Giám mục Konrad Krajewski người Balan, là vị TGM rất năng nổ trong việc làm từ thiện. Khi quyết định trao toàn quyền cho TGM này, ngài nói:”Đức cha có thể bán bất cứ cái gì ở đây nếu xét thấy không cần thiết. Đức cha cần ra ngoài Vatican. Đừng để người nghèo kéo đến rung chuông, hãy ra ngoài đường tìm kiếm họ”.
Giáo Hoàng Phanxicô thường trao cho TGM Krejewski cả đống thư từ kèm theo lời ngài dặn dò là hãy giúp những ai viết cho ngài xin được trợ giúp.
Đức Phanxicô còn được mệnh danh là “Giáo hoàng khu ổ chuột” do ngài thường xuyên đấu tranh cho người nghèo. Ngày 25/07, vị Giáo hoàng của người nghèo nhận được sự hoan nghênh cuồng nhiệt của cư dân một trong các khu ổ chuột dữ dằn nhất ở Rio (Brazil) khi ngài đến thăm và lên tiếng đòi các nước giàu trên thế giới chấm dứt bất công đối với người nghèo sống bên lề xã hội.
Làm sao để đến với người nghèo?
Giáo hoàng Phanxicô hình như đang muốn đặt lại vấn đề truyền giáo bằng việc làm với các chức sắc của Giáo hội, ngài không ngần ngại đưa ra những đề nghị cụ thể có thể làm ‘chói tai’ người nghe.
Bài giảng ngày kết thúc Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Brazil, khoảng 3 triệu tín hữu có mặt ở bãi biển Copacabana, và trước một số đông hồng y, giám mục, linh mục ngài đã giải thích nguyên nhân làm sao có chuyệntín hữu Brazil thập niên gần đây bỏ đạo theo Tin Lành, nhiều nhất là ở những ‘khu ổ chuột’ ngài nhận định: “Có lẽ nhà thờ đang tỏ ra quá yếu đuối, quá xa rời các nhu cầu của mọi người, quá nghèo để phản ứng trước những mối lo ngại, quá lạnh lùng, hay quá bận tâm tới chính mình, có lẽ họ đã trở thành tù nhân của chính những công thức khô cứng của mình. Có lẽ thế giới dường như đang khiến nhà thờ trở thành một di sản của quá khứ, không phù hợp với những câu hỏi mới. Có lẽ nhà thờ chỉ có thể nói cho những người vị thành niên mà không phải những ai đã trưởng thành”, và ngài kêu gọi: “Chúng ta không thể đóng cửa bản thân trong giáo phận của mình, trong giáo xứ của mình trong khi quá nhiều người đang chờ đợi chân lý”.
Tông huấn đầu tiên của ngài, Evangelii Gaudiumcông bố 24/11/2013 được xem như “đường lối phục vụ Giáo hội của triều Giáo hoàng Phanxicô”, những dòng chữ đầu tiên của Tông huấn, ngài hướng tới: “Các giám mục, các linh mục và phó tếnhững người được thánh hiếnvà tất cả các tín hữu giáo dân”. Rõ ràng, ngài kêu mời toàn thể Giáo hội dấn thân phục vụ người nghèo trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng niềm vui, nhưng là niềm vui của thập giá, có nghĩa, sẵn sàng chấp nhận ‘những khoản khắc đầy cam go thử thách’ “Nó thích nghi và biến đổi, nhưng luôn tồn tại, ít ra như một tia sáng phát ra từ sự chắc chắn của cá nhân rằng mình được yêu thương vô cùng, vượt ra ngoài tất cả. Tôi hiểu những người buồn rầu vì những khó khăn ngặt nghèo mà họ phải chịu, tuy nhiên dần dần, chúng ta phải cho phép niềm vui của đức tin bắt đầu thức tỉnh, như một niềm tin thầm kín nhưng chắc chắn, ngay cả giữa lúc đau buồn nhất”(số 6) (3).
Truyền giáo là sứ mạng của Giáo hội, và truyền giáo không những làm cho mọi người nhận biết Tin Mừng mà còn làm thăng tiến phẩm giá con người, vì thế, theo ngài, các mục tử cần có ý kiến về những gì liên quan đến cuộc sống con người:“Không ai có thể đòi buộc tôn giáo phải rút lui vào nơi thiêng liêng bên trong của đời sống cá nhân, mà không có quyền đóng góp ý kiến về những biến cố có ảnh hưởng đến xã hội”. trích lời ĐTC Gioan Phaolô II, ngài nói rằng Hội Thánh “không thể và không được tiếp tục đứng ngoài lề cuộc đấu tranh cho công lý”. “Đối với Hội Thánh, việc chăm lo cho người nghèo chủ yếu là một loại thần học luân lý” chứ không phải là một loại xã hội học. “Đó là lý do tại sao tôi muốn có một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta”. “Bao lâu mà những vấn đề về người nghèo không được giải quyết cách triệt để… thì sẽ không tìm thấy giải pháp nào cho những vấn đề của thế giới này”. Ngài khẳng định rằng “Chính trị, mặc dù thường bị miệt thị, vẫn là một ơn gọi cao cả và một trong những hình thức cao nhất của việc bác ái”. Tôi cầu xin Chúa ban cho chúng ta thêm các chính trị gia thực sự biết lo lắng cho… đời sống của những người nghèo!”Ngài thêm một lời khuyên: “Bất kỳ cộng đồng Hội Thánh nào”, nếu tin rằng nó có thể quên người nghèo, thì sẽ có nguy cơ “bị xụp đổ” (4).
Tông huấn và cũng như những ‘ước muốn’ đây đó của Giáo hoàng Phanxicô về ‘Một Giáo hội khó nghèo, vì người nghèo”, là “mở tung cửa nhà thờ” để đến với thế giới, với mọi người, nhất là những người nghèo, người đau khổ, người bất hạnh… để làm được điều này, ngài lập lại ước muốn: “Tôi lặp lại cho toàn thể Hội Thánh điều mà tôi đã nói nhiều lần với các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires: Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám vứu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục.” (số 49)
“Khi đời sống nội tâm bị đóng kín với những tư lợi, thì không còn chỗ cho người khác nữa, những người nghèo không thể vào được nữa, người ta không còn nghe được tiếng của Thiên Chúa, không còn được hưởng niềm vui ngọt ngào của tình yêu Ngài, tim họ không còn đập những nhịp nhiệt thành để làm việc thiện nữa.” (số 2)
Sự thật tình yêu ở đâu?
Một thoáng nhìn những gì Giáo hoàng Phanxicô đã quan tâm đến người nghèo, mối bận tâm ưu tiên của ngài. Với ngài, sự giúp đỡ người nghèo chẳng những là việc bác ái yêu thương mà còn là lẽ công bằng, phải tìm nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và tìm cách giảm thiểu nó, lần tiếp kiến Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Jim Yong Kim ngày 28/10/2013, ngài góp ý: “Chúng ta cần phải dự liệu những trục cộng tác xung quanh nhu cầu ưu tiên cho người nghèo. Chúng ta phải tấn công vào gốc rễ của nạn nghèo đói bằng cách mở rộng cánh cửa nhà trường, bệnh viện cho người nghèo, cùng các công ăn việc làm tốt hơn cho phụ nữ, người trẻ và tất cả những ai vốn thường không có cơ hội chen chân”.
“Tôi muốn một Giáo hội nghèo khó, vì người nghèo” Điều mà Giáo hoàng Phanxicô muốn cũng là điều mà tất cả mọi kitô hữu phải muốn, vì đó là nghĩa vụ của bác ái, yêu thương. Trong bài giảng lễ ở Nguyện đường thánh Martha ngày 10/01/2014, khi đề cập đến bác ái, ngài nói: “Bác ái phải cụ thể, trong tình yêu hành động quan trọng hơn lời nói, cho thì tốt hơn nhận. Tình yêu không phải là một chủ nghĩa lãng mạn, mà ở lòng vị tha, lo âu, xắn tay áo lên mà tìm kiếm người nghèo. Tính chất đặc biệt của tình yêu Kitô giáo là ở sự cụ thể. Nói về tình yêu, Chúa Giêsu nói với chúng ta về những việc rất cụ thể: cho kẻ đói ăn, thăm viếng bệnh nhân và nhiều việc cụ thể khác, nếu không cụ thể, chúng ta chỉ nói đức ái một cách ảo tưởng. Tình yêu là cụ thể, nằm ở hai tiêu chuẩn: 1/ Yêu bằng hành động chứ không phải lời nói. Lời nói hôm nay, ngày mai có thể không còn. 2/ Trao ban tốt hơn nhận lãnh. Những người đang yêu sẵn sàng trao ban vật chất, trao ban sự sống, trao ban chính mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân.”
———————–
(1). Thư Giới thiệu cuốn YOUCAT (Youth Cathechism) của ĐGH Bênêđictô XVI
(2). ‘Italian parish priest gives Francis a Renault 4’, Vatican Insider
(3). Evangelii Gaudium, web. Lam Hồng
(4). Ibid, Tổng lược Tông huấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét