Tôma Hoàng Kim Khánh
Một phép so sánh
Một phép so sánh
Phái Ngũ Tuần còn gọi là phong trào Hiện Xuống (Pentecostalism) do Mục sư Charles F. Parham thành lập đầu tiên ở Topeka, bang Kansas, Hoa Kỳ, vào năm 1901 [1]. Nhưng, chỉ sau hơn 110 năm, phong trào này có ở khắp nơi trên thế giới với gần 600 triệu tín đồ, trong đó Á châu có 135 triệu [2].
Giáo hội Công giáo sau hơn 2000 năm, số lượng tín hữu cũng chỉ gấp đôi, 1200 triệu người.
Phái Ngũ Tuần có mặt ở Việt Nam từ năm 1970 và hiện được phép hoạt động tại Việt Nam [3].
Rõ ràng, sức mạnh thu hút của phái Ngũ Tuần “…hiển nhiên là đầy kinh ngạc, khi so với các tôn giáo truyền thống dựa trên Kinh Thánh như Công Giáo, Tin Lành” [4].
Tại sao phái Ngũ Tuần phát triển nhanh về số lượng tín đồ ?
Tìm hiểu hoạt động của phái này, chúng ta dễ nhận ra những đặc điểm sau:
1. Những người theo phái Ngũ Tuần tin Chúa nhờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho họ. Vì vậy những buổi cầu nguyện của họ thường đầy cảm xúc, tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của họ.
2. Những người theo phái Ngũ Tuần vui mừng, đón nhận, chăm sóc nhau mỗi khi họ đến cùng cầu nguyện. Họ cảm nhận họ đang thuộc về một cộng đoàn, và được cộng đoàn đó yêu thương, giúp đỡ.
3. Những người theo phái Ngũ Tuần nhiệt thành và cản đảm trong việc giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người khác. Họ sẵn sàng nói về Chúa bất cứ nơi đâu một cách say mê, đầy xác tín (Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Bđd).
Từ kinh nghiệm truyền giáo của phái Ngũ Tuần, người công giáo Việt Nam chúng ta cần:
Điều làm chúng ta băn khoăn, là trong số những tín đồ của phải Ngũ Tuần hiện nay, có những người trước đây từng là người công giáo. Không trách họ, mỗi chúng ta nên với thái độ thẳng thắn, nhìn lại mình để có những thay đổi:
1. Khi tham dự cử hành phụng vụ, dâng Thánh lễ chẳng hạn, chúng ta thường kêu ca là dài dòng, mất thời gian; đề nghị bỏ phần này, bớt phần kia, … hoặc không tham dự với lí do “giữ đạo trong lòng” … Vì thế, việc tham dự cử hành phụng vụ không còn là hành vi linh thánh trỗi vượt mà không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (CĐ Vat II, Hc. Sacrosanctum Concilium - Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 7). Mặc dầu Công đồng xác nhận đời sống thiêng liêng không chỉ hạn hẹp trong việc tham dự cử hành phụng vụ mà còn được nuôi dưỡng bằng những việc đạo đức bình dân thích hợp với lề luật và quy tắc của Giáo Hội (SC số 12) nhưng việc cử hành các mầu nhiệm thánh, như Đức Chân Phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói, mới là việc chúc tụng quyền uy tối thượng của Thiên Chúa, là cách diễn đạt mà Thiên Chúa mong muốn.
Do đó, mỗi chúng ta cần nâng cao ý thức, thay đổi thái độ, tâm tình sốt mến hơn mỗi khi tham dự cử hành phụng vụ để cảm nhận cách sâu sắc, tuyệt hảo tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình.
2. Cách đây vài năm, chúng ta nói nhiều đến việc xây dựng “Cộng đoàn Giáo Hội Cơ bản”, kiểu các cộng đoàn thời Giáo Hội sơ khai (x. CV 2, 42-46), nhưng xem ra không thành công. Trong điều kiện hiện nay, mọi thành viên trong mỗi giáo xứ, giáo họ, nhóm gia đình, các đoàn thể trong giáo xứ, … nỗ lực hơn, quyết tâm hơn nhằm xây dựng giáo xứ ngày càng trở nên hiệp nhất, yêu thương, sắn sàng giúp đỡ nhau sẽ là điều tối cần thiết.
3. Mỗi chúng ta, không chỉ nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người khác mà còn phải làm chứng về Ngài và Tin Mừng của Ngài. Vì như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã nói, “Con người thời đại chúng ta bị đánh động bởi các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, chính vì các vị này là chứng nhân”.
Làm chứng về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay, không phải là điều dễ dàng nhưng nếu, mỗi người cứ sống và giữ đạo như hiện nay, công việc truyền giáo của Giáo Hội sẽ không mấy hiệu quả.
Lời kết
Không lo ngại, nôn nóng; không quy lỗi cho ai, không vì lí do gì. Tự nổ lực thay đổi từ mỗi người, hợp tác với Thánh Thần Chúa để mọi sự theo Thánh ý Ngài.
Xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và là Mẹ chúng con, đồng hành cùng chúng con. Xin cho chúng con “đừng sợ ” (Mt 14, 27) và “ở cùng chúng con" ( Mt 28).
Bài tham khảo:
[1], [3]. http://duonglinh.cdnvn.com/bai-viet/giao-hoi-ngu-tuan-1337
[2]. GM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Phái Ngũ Tuần và Những Thách Đố cho Giáo Hội Công Giáo, Hiệp Thông, số 76, 2013, tr 145-151.
[4]. http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-94_4-10060/phuc-am-ngu-tuan-tran-khai.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét