Người Công giáo biết rằng, khi nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy, được trở nên con cái Chúa, thì đồng thời mình cũng được trao phó sứ vụ: Loan báo Tin Mừng cho người khác - làm cho muôn dân trở nên con cái Chúa (Mt 28,20).
Có nhiều phương thế để mỗi người thực thi sứ vụ của mình, bằng chính cuộc sống đạo đức, thánh thiện của bản thân, bằng tham gia các hoạt động của các Hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, hoặc bằng tham gia hoạt động của các tổ chức Giáo dục, Y tế, Bác ái - Xã hội, … Mỗi người một việc, mọi người góp phần mình vào công việc loan báo Tin Mừng – Truyền giáo.
Loan báo Tin Mừng trong thời đại ngày nay
Việc loan báo Tin Mừng ngày nay được xem là mới, không phải nội dung Tin Mừng thay đổi, mà vì đối tượng của việc loan báo Tin Mừng, là “con người thời nay”, đã thay đổi dưới nhiều khía cạnh.
Thật vậy, trong những năm qua, đã có rất nhiều thay đổi trên hầu hết các lĩnh vực có liên quan đến cuộc sống như văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, … làm biến đổi tâm hồn, cách nhìn nhận các vấn đề, … “của người thời nay” (Phúc Âm hóa và Giáo huấn Xã hội Công giáo, Hiệp Thông số 75, 2013, trang 126).
Xã hội trọng chuộng vật chất, người ta xem tiền bạc, của cải hơn luân thường, đạo lý; nhân phẩm bị chà đạp, coi thường, người ta, thậm chí là người làm cha mẹ, không cảm thấy là trái với lương tâm khi phá bỏ một thai nhi; tình liên đới không còn là nền tảng của mối quan hệ giữa mọi người, con người trở nên vô cảm trước những khổ đau, bất hạnh của những người chung quanh; …
Người công giáo chúng ta sống cùng, sống với những “người thời nay” ấy, sống trong một xã hội còn quá nhiều những bất cập, bất công, nghèo đói, … được mời gọi đối diện với những vấn đề trần thế và xếp đặt nó theo ý muốn của Thiên Chúa (x. CĐ. Vatican II, Hc. Lumen Gentium, Vui Mừng và Hy Vọng, số 31); … làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống (Sđd, số 38).
Thách đố đối với mỗi chúng ta
Được sai đi (Ga 17,18) trong hoàn cảnh nói trên, người Kitô hữu giáo dân một mặt phải sống theo Tin Mừng của Đức Kitô, một mặt phải chấp nhận hòa mình vào dòng chảy cuộc đời. Điều đó, không có nghĩa là chúng ta sống lối sống hai mặt trái nghịch nhau, nhưng là sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, và hơn thế nữa, phải là những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy về Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu thế.
Chối từ những lợi ích trần thế đã hẳn là dễ dàng? Làm chứng cho Đức Kitô càng khó hơn! Nhưng để loan báo Tin Mừng, mỗi người Kitô hữu phải là chứng nhân, vì như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, đã nói, “Con người thời đại chúng ta bị đánh động bởi các chứng nhân hơn là các thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy, chính vì các vị này là chứng nhân”.
Quả thật là một thách đố lớn đối với mỗi chúng ta khi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng ?
Giải pháp
Ngày xưa, để chia sẻ sứ vụ loan báo Tin Mừng được Chúa Cha giáo phó, Chúa Giêsu chọn gọi các môn đệ, rồi ân cần hướng dẫn “nghiệp vụ” loan báo Tin Mừng cho các môn đệ trước khi họ được “Sai đi” (Mt 10,5-16. Mc 6,7-13. Lc 9,1-6). Ngày nay, những sứ giả “mới” Tin Mừng cũng cần được huấn luyện để dấn thân vào mọi lĩnh vực của xã hội như những chứng nhân của chân lý, tự do, công lý và tình yêu.
Trong thực tế, nơi này hay nơi khác, đã có những người Kitô hữu sẻ chia những gì họ có cho những người nghèo khó; đấu tranh bảo vệ sự sống; bênh vực người cô thân, cô thế; đòi hỏi công lý, công bằng cho người bị áp bức, bị bóc lột; chấp nhận tù đày, hy sinh mạng sống mình vì sự thật, vì tình yêu; … bởi họ sẽ trả lời với Chúa như thế nào ở ngày sau cùng, nếu ngược lại (Mt, 25, 31-46); bởi họ nhìn nhận mọi người là anh em có chung một cha trên trời (Mt 23,8), và họ phải thương yêu nhau như Cha đã thương yêu họ (Ga 15,12); bởi họ nhìn nhận phẩm giá cao trọng của từng con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người và ban cho sự sống đời đời (St 1,26): bởi như Thầy Chí Thánh chết cho người mình yêu (Ga 15,13) … Như thế, từ sự thật của đức tin, người Kitô hữu chọn lựa cách cư xử, hành động phù hợp với lương tâm, với Tin Mừng, và chính họ đã là chứng nhân của Tin Mừng.
Những chỉ dẫn của Giáo hội về những vấn đề xã hội gọi là Giáo huấn Xã hội Công giáo. Giáo huấn Xã hội Công giáo (GHXHCG) không thuộc lĩnh vực ý thức hệ nhưng thuộc lĩnh vực thần học, nhất là thần học luân lý, nhằm hướng dẫn cách cư xử của người Kitô hữu trước mọi cảnh huống của xã hội, của nhân sinh và như thế GHXHCG là công cụ để loan báo Tin Mừng trong thế giới đương đại (Ban CL&HB Huế, Tài liệu Học tập Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, tập I, trang 35).
Tạm kết
Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế, Phanxicô Xavie Lê Văn Hồng, khi giới thiệu tập Tài liệu Học tập Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, tập I, do Ban CL&HB Huế ấn hành, Ngài viết, “ … Giáo huấn Xã hội Công giáo là công cụ loan báo Tin Mừng trong thời đại ngày nay” và bày tỏ mong muốn mọi người học tập, đặc biệt là những Kitô hữu giáo dân, vì “Nơi đây, mọi thành phần Dân Chúa khi đối diện hay phải đương đầu với những thực tại xã hội phức tạp, khó khăn, sẽ kín múc được những nguyên tắc để suy tư, các tiêu chuẩn để phán đoán, và các chỉ dẫn để thực hành.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét