
Linh mục Gioakim Lê Thanh Hoàng, Trưởng ban Công Lý và Hòa Bình Huế, khuyến khích anh em Tình Nguyện Viên chúng tôi, “Đức Tổng đã cho phép, mọi thứ đã sẵn sàng. Chờ một tiếng alô từ phía các cha quản hạt, quản xứ là chúng ta lên đường.”
oOo
Đang vào Mùa Chay, anh em chúng tôi nói với nhau, “Chưa mô, E phải sau Phục Sinh” (Chưa đâu, Có lẽ sau lễ Phục Sinh). Nhưng, từ một giáo xứ vùng cao, ở về phía Tây, cách thành phố Huế khoảng 25 km, Tu sĩ Linh mục Phêrô Nguyễn Thái Công, Dòng Thánh Tâm Huế, “Alô, Bình Điền sẵn sàng rồi. Chúa nhật V Mùa Chay, ngày 17/3/2013, … Mời Ban Công Lý và Hòa Bình (CL&HB) …nghe.” . Chúng tôi lên đường.
Có khoảng 80 anh chị em, trong đó 50 thuộc các hội đoàn Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Gia trưởng, và 30 thanh thiếu niên thuộc Giới trẻ trong giáo xứ cùng chúng tôi “nhỏ-to” về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo.
Ngày 12/5/2013, chúng tôi về Phường Tây, một giáo xứ cách Huế khoảng chừng 30km, 60 học viên là thành viên của Hội Đồng Giáo Xứ, là người phụ trách Hội đoàn, là những giáo dân nòng cốt ở 6 giáo xứ vùng ven biển Phú Lộc, thuộc giáo hạt Hải Vân, Tổng Giáo phận Huế, nghe chúng tôi chia sẻ những điều chúng tôi được học về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (GHXHCG).
![]() |
Lớp học GHXHCG tại giáo xứ Bình Điền |
![]() |
Lớp học GHXHCG tại giáo xứ Phương Tây |
Và, ngày 19/5/2013, chúng tôi đến Nước Ngọt, một giáo xứ ở vào vị trí trung tâm của 12 giáo xứ vùng đồng bằng, dọc 2 bên Quốc lộ 1A, giáo hạt Hải Vân, đầu phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế. 50 anh chị em, có người đã vượt quãng đường hơn 10 km, quy tụ đúng giờ, chờ đợi chúng tôi từ Huế về.
oOo
Thú thật, mặc dầu đã được tập huấn, rồi tự giúp nhau học tập, cùng nhau biên soạn tài liệu, thảo luận về phương pháp thuyết trình, chuẩn bị các phương tiện cần thiết,… dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của Linh mục Trưởng ban, Linh mục Gioan Nguyễn Đức Tuân, Phó ban, anh em chúng tôi vẫn vô cùng lo lắng. Bởi chúng tôi cũng đã từng tham gia các lớp học được tổ chức như thế này tại giáo hạt, tại giáo phận; đã từng nghe những lời chê trách thế này, thế kia sau mỗi đợt học tập, …
Cái lo cùng với lòng khiêm tốn, khiến ai trong anh em chúng tôi cũng đều, “… Xin ông bà, anh chị em thông cảm, …” trước khi chia sẻ nội dung được phân công. Chia sẻ xong phần của mình, cũng chưa yên, mỗi chúng tôi, đều được linh mục Gioakim nhắc nhở, “Phải ngồi nghe anh em mình thuyết trình để góp ý cho nhau, gặp gỡ anh chị em ở các giáo xứ để biết họ muốn điều chi nơi chúng ta, …”.
Công việc, xem ra không đơn giản chút nào !
oOo
Mỗi ngày học, 2 lần ở giáo hạt Hải Vân, có sự hiện diện của Linh mục Phaolô Phạm Tá, Đặc trách Công Lý và Hòa Bình (CL&HB) giáo hạt; và các Linh mục Phaolô Nguyễn Luận, quản xứ Hà Úc; Linh mục Gioan Baotixita Lê Văn Nghiêm, quản xứ Cầu Hại, … Đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Thế Tòng, quản xứ Phường Tây; Linh mục Phaolô Nguyễn Trọng, quản xứ Nước Ngọt.
Điều này nói lên sự hiệp thông, đồng trách nhiệm của các linh mục trong những công việc chung của Giáo phận, của Giáo Hội. Cách riêng, với Linh mục Trưởng ban và anh em Tình nguyện viên (TNV) chúng tôi, đó là nguồn sức mạnh để chúng tôi chu toàn bổn phận.
Gặp lại linh mục Phaolô, quản xứ Nước Ngọt, chưa kịp chào hỏi ngài, đã nghe, “À a ! Anh em CL&HB, không có ai to lớn cả hè?” Giọng ngài to, vui. Lúc ấy chúng tôi nghĩ, căng thẳng làm chúng tôi gầy đi so với những lần gặp ngài trước đó?. Nhưng đến cuối ngày học tập, khi ngài nhắn nhủ với anh chị em học viên, “…Làm Tông đồ của Chúa khổ cực lắm, có ai to lớn đâu, đại gia đâu, nhưng Chúa đền bù lại cho chúng ta niềm vui, niềm vui trong Chúa cho những ai làm tông đồ. To lớn lắm !” Chúng tôi hiểu, lời ngài sáng nay là sự động viên, khích lệ.
oOo
Trong 3 ngày học, ở 3 địa điểm thuộc các vùng miền khác nhau, nhưng chúng tôi cảm nhận điều gì đó làm nên cái “khac khác” ở những lớp học này so với những lớp học chúng tôi đã từng tham dự ? Dĩ nhiên, không phải chỉ vì nội dung học tập là mới, mà còn vì Giáo huấn Xã hội Công giáo là cần cho mỗi người, mọi người trong mọi cảnh vực của xã hội. Chính điều này giải thích tại sao anh chị em giáo dân “đến lớp” với tinh thần, thái độ học tập rất nghiêm túc.
![]() |
Học viên phát biểu ý kiến |
![]() |
Học viên phát biểu ý kiến |
Thật vậy, anh N.T. ở giáo xứ Lăng Cô, tâm sự “…Chúng tôi thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về pháp luật, nên có những điều chúng tôi được hưởng cách tự nhiên, chúng tôi lại đi xin, và Nhà Nước cho chúng tôi như ban phát một ân huệ”, hoặc như một học viên khác, ông H.V.H. ở Phường Tây, “Không biết việc mình làm là đúng, nên lúc nào cũng sợ. Sợ người khác nói mình làm sai, sợ mọi thứ”, … Nghe như thế để thấy điều anh chị em mong muốn được giúp đỡ về phương tiện, điều kiện học tập sâu hơn GHXHCG là chân thành.
Chị N.T.M ở Cầu Hai, làm chúng tôi lúng túng, “ … nói Ủy ban CL&HB không phải là Ủy ban đòi đất. Tôi cho là không đúng, vì vấn đề không phải là đòi đất hay không đòi đất. Nếu khi Nhà Nước thu hồi đất của dân không đúng, dân đòi lại là đúng pháp luật. Dân đòi không được, Ủy ban CL&HB đòi giúp cho dân chơ !”
Vì, Con người ngày nay tin tưởng vào các chứng nhân hơn là vào các thày dạy, vào nghiệm cảm hơn là vào giảng thuyết, và vào cuộc sống cũng như hành động hơn là vào các lý thuyết (xem ĐTC Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi - Loan báo Tin Mừng, số 41). Không khéo, anh em TNV chúng tôi là những người giảng thuyết ? (xin tạm gọi vậy)
Anh T.V.D ở Nước Ngọt, bắt bí thêm, “Nhà nước nào cũng do dân, vì dân; cũng quan tâm đến lợi ích của toàn dân; chính quyền cấp trên luôn giúp chính quyền cấp dưới; vận động mọi người đóng góp tiền bạc, công sức giúp người nghèo; …. những điều đó đang xảy ra trong xã hội chúng ta. Đó là Nhân Vị, Công Ích, Bổ trợ, Liên Đới … Xin hỏi có đúng không? Mà đúng thì học GHXHCG làm chi nữa ?”
gẫm nghiệm, cái thực cái ảo, khó phân biệt ? Nhân Vị, Công Ích, Bổ trợ, Liên Đới … trong GHXHCG chỉ rõ, dân là con người với đúng ý nghĩa là con cái Thiên Chúa; công ích là tổng hòa lợi ích của mọi người và của mỗi người, lợi ích cá nhân trong mọi trường hợp phải được giải quyết cách công bằng; cấp trên giúp cấp dưới nhưng không can thiệp vào công việc của cấp dưới, vì mọi người đều có trách nhiệm đóng góp phần mình vào công việc chung của xã hội; và giúp người nghèo phải bằng cái tâm, cái tình của những người anh em có chung một Cha trên Trời.
Đúng là còn nhiều điều phải suy tư, phải học hỏi.
![]() |
Học viên lớp GHXHCG tại giáo xứ Phường Tây |
![]() |
Học viên lớp GHXHCG tại giáo xứ Nước Ngọt |
Chỉ với 3 chuyến đi phổ biến GHXHCG, anh em TNV chúng tôi nghe, biết nhiều “cảnh vực” của xã hội. Nhưng rõ ràng, GHXHCG giúp chúng tôi cũng như mọi người suy tư, đánh giá và có hành động đúng với Tin Mừng, đúng với trách nhiệm và bổn phận Người Kitô hữu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét