Lm Giuse Nguyễn Hữu An
(Viết theo cuốn: Trên đỉnh cao thập giá của ĐGM Fulton Sheen)
Trương Thị Dược (St)
4. Lạy Thiên Chúa! Lạy Thiên Chúa của con! Sao Ngài bỏ rơi con (Mt 27, 46)
Ba Lời Di Ngôn đầu từ thánh giá phán ra được gởi đến các kẻ được Thiên Chúa yêu thương theo thứ tự: kẻ thù địch, kẻ tội lỗi, người lành thánh. Hai lời thứ tư, thứ năm biểu lộ sự đau khổ của Thiên Chúa làm người trên thánh giá. Lời thứ tư biểu lộ sự khốn khổ của con người bị Thiên Chúa phế bỏ. Lời thứ năm nói lên nổi cay cực của Thiên Chúa bị con người chối bỏ.
Ngày Thứ Sáu Chịu Nạn là ngày đen tối nhất trần gian. Bóng tối bao trùm trái đất in mờ Thập Giá Đức Kitô trên nền trời đen thẳm. Mọi sự đều tối tăm mịt mùng! Ngài từ bỏ Mẹ hiền và môn đệ yêu dấu. Thiên Chúa xem ra cũng như từ bỏ Ngài luôn. ”Eli ! Eli ! Lamma sabacthani! Chúa ơi! Chúa ơi! Sao Chúa bỏ con? Tiếng kêu than này, trong ngôn ngữ huyền nghĩa Do thái tiết diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện: Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Chúa Con gọi Chúa Cha là Thiên Chúa. Khác hẳn lời cầu ngày nào Ngài dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Chúa Cha cũng có vẻ như ngoảnh mặt đi, khi Ngài hứng chịu lấy tội lỗi trần gian. Ngài cam chịu nổi đớn đau bi thống đó vì con người để chúng ta hiểu rằng: Khi con người mất Thiên Chúa thì tình trạng khủng khiếp chừng nào.
5. Ta Khát (Ga 19, 28)
Đây là lời ngắn nhất trong bảy Di Ngôn, chỉ vỏn vẹn một tiếng Ta khát. Tận đáy tâm hồn Chúa chỉ bật ra một nỗi thao thức: Ta Khát.
Hiện tượng khát nước là sự kiện bình thường của một người tử tội đóng đinh thập giá, do việc người đó mất quá nhiều máu trong người. Nhưng ở đây, chắc chắn Gioan không có ý nói tới điều đó mà nói đến nghĩa thiêng liêng. Đức Giêsu khao khát thông truyền hiệu quả cuộc khổ nạn của Người là Ơn cứu độ cho tất cả mọi người và như thế thì lời Kinh thánh mới nên trọn. Ý nghĩa của lời Ta Khát gắn liền với việc “để lời kinh thánh được nên trọn.” Lời Kinh Thánh có thể hiểu là Lời các Tiên tri trong Cựu ước loan báo về sứ mạng Cứu thế của Đấng Messia; Lời Kinh Thánh còn có thể hiểu là chính công việc cứu thế của Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu biết rằng sứ mạng cứu thế của Người đã được thi hành trọn vẹn và đầy đủ; kể từ nay bắt đầu giai đoạn mới của lịch sử cứu độ, con người sẽ lãnh nhận hiệu quả do cuộc khổ nạn người đem đến thì Ngài nói: Ta Khát.
Trong Phúc âm Gioan, từ ngữ “khát” thường chỉ nguyện vọng sâu xa của con người khát mong những hồng ân của Thiên Chúa vào thời Đấng Messia “Ai uống nước Ta ban thì đời đời sẽ không còn khát nữa, nước Ta ban sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13); ” Ai đến với Ta sẽ không hề đói,và kẻ tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ” (Ga 6,35); “Ai khát hãy đến với Ta, ai tin vào ta hãy đến mà uống! Như kinh thánh đã nói: Tự lòng Ngài sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” (Ga 7, 37)
Như thế Di Ngôn “Ta Khát” chính là nguyện vọng sâu thẳm của Chúa muốn mọi người lãnh nhận ơn cứu độ mà cuộc khổ nạn Ngài đem đến cho thế gian.